T2, 06/07/2020 11:16

“Ru ngủ” cá ngừ giữa đại dương

Chưa có đánh giá về bài viết

Lần đầu tiên một doanh nghiệp ở Phú Yên liên kết với một kỹ sư điện và ngư dân đưa bộ thiết bị gây tê bằng điện vào thử nghiệm trong khai thác cá ngừ đại dương, với kết quả mang lại rất khả quan. Thiết bị này giúp ngư dân giảm tổn thất trong quá trình khai thác, cá câu được đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, giá bán cao hơn giá thị trường cùng thời điểm.

Thiết bị gây tê này do Công ty cổ phần Bá Hải đặt hàng kỹ sư Phạm Duy Phượng, giảng viên Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa chế tạo và thử nghiệm trên tàu cá PY 90612TS công suất 293 CV của ngư dân Lê Tấn Hồng ở phường Phú Đông, TP Tuy Hòa vào đầu tháng 11 này.

Từ công nghệ câu cá của Nhật Bản 

Kỹ sư Phạm Duy Phượng cho biết, ông là khách hàng sửa chữa điện, máy móc Nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu của Công ty cổ phần Bá Hải. Ý tưởng để chế tạo ra thiết bị gây tê phục vụ trong khai thác cá ngừ xuất phát từ khi ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần Bá Hải mời ông tham quan, tìm hiểu thiết bị và công nghệ câu cá ngừ đại dương của Nhật Bản cho ngư dân tỉnh Bình Định hồi đầu tháng 6 vừa qua.

“Sau khi nghe ngư dân Bình Định giới thiệu, tôi thấy bộ thiết bị câu cá ngừ đại dương của Nhật Bản rất hữu ích, nhưng giá thành lên đến hàng trăm triệu đồng, lại cồng kềnh rất khó để ngư dân Phú Yên áp dụng. Từ nguyên lý hoạt động của bộ thiết bị này, ông Lê Văn Hồng đặt vấn đề với tôi về việc chế tạo ra bộ thiết bị gây tê cá gọn nhẹ, dễ sử dụng và giá thấp hơn để ngư dân mình sử dụng. Vậy là ngay sau chuyến tham quan, tôi bắt tay vào chế tạo bộ thiết bị này”, kỹ sư Phượng nói.

 

Kỹ sư Phạm Duy Phượng kiểm tra lại bộ thiết bị gây tê cá sau khi áp dụng trên tàu của ngư dân Lê Tấn Hồng – Ảnh: Q.Thuần

Theo kỹ sư Phạm Duy Phượng, bộ thiết bị gây tê cá do ông chế tạo nặng khoảng 20 kg, giá chỉ 24 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với bộ thiết bị gây tê của Nhật Bản và rất an toàn cho người sử dụng. Thiết bị này sử dụng nguồn điện 24V từ bình ắc quy, kích qua bộ xung điện với cường độ dòng điện từ 40 đến 45 V. Bán kính nguồn điện phát ra chỉ khoảng 1 m, nên không ảnh hưởng đến các loại hải sản khác ở ngoài bán kính này.

Trước khi đưa bộ thiết bị gây tê cá của kỹ sư Phạm Duy Phượng vào khai thác cá ngừ đại dương, ông Lê Văn Hồng mua hai con cá mú, mỗi con nặng khoảng 18 kg, thả vào bể nước có độ mặn tương đương với độ mặn nước biển và gây tê một trong hai con cá. Thời gian kích điện để gây tê cá từ 3 đến 5 giây. Kết quả, con cá bị kích điện được “ru ngủ” ngay dưới nước và bắt lên rất nhẹ nhàng, còn con cá mú bơi bên cạnh không bị điện giật. Điều này chứng tỏ, bộ kích điện này không gây nhiễm điện trên diện rộng, ảnh hưởng đến các loại thủy sản khác.

 

… Đến “ru ngủ” cá theo kiểu Việt Nam

Sau khi thử nghiệm thành công trên cá mú, bộ thiết bị gây tê do kỹ sư Phạm Duy Phượng chế tạo được chuyển giao cho ngư dân Lê Tấn Hồng áp dụng trong câu cá ngừ đại dương. Theo ông Hồng, khi cá dính câu và cách mặt nước khoảng 30 m, từ trên tàu ông thả thiết bị gây tê hình tròn có nối dây điện xuống nước theo sợi cước móc với lưỡi câu mà cá đã dính. Khi thiết bị gây tê cùm miệng con cá thì ông nhấn nút kích nguồn điện để cá “ngủ” ngay ở dưới nước. Thời gian kích điện chỉ 3 – 5 giây và chỉ mất khoảng 10 phút đưa cá lên boong tàu một cách nhẹ nhàng. Sau đó ông cho cá vào thùng nước đá có độ lạnh từ 8 – 100C và hệ thống sục khí, ngâm khoảng 30 phút, rồi chọc tủy, mổ lấy nội tạng, rửa sạch và tiếp tục đưa cá ngâm nước đá trước khi chuyển vào hầm lạnh.

“Chuyến biển thử nghiệm thiết bị gây tê cá ngừ chỉ mất 11 ngày, cả đi và về trong điều kiện sóng to gió lớn, nhưng tôi câu được 5 con cá ngừ đại dương với trọng lượng 340kg, chưa kể một số loại cá khác. Tất cả số cá câu được đạt chất lượng hàng cá tươi sống, xuất khẩu và được Công ty cổ phần Bá Hải mua với giá 190.000 đồng/kg. Trong khi cá ngừ do các ngư dân khác câu được cùng thời điểm bán chỉ 115.000 đồng/kg. Chuyến biển này tôi lãi gần 40 triệu đồng”, ông Hồng cho biết.

Ông Lê Văn Hồng nói: Lâu nay, khi cá dính câu, để kéo được lên boong tàu phải mất ít nhất 30 phút, trong khi cá giãy giụa mạnh, khiến phần thịt của cá ở gần xương bị hư, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Cá biệt có con cá giãy mạnh quá nên rớt ra khỏi lưỡi câu, chạy mất. Với bộ thiết bị gây tê của kỹ sư Phượng, sau khi cá dính câu sẽ được “ru ngủ” ngay dưới nước nên chất lượng cá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, giúp giảm tổn thất trong quá trình khai thác và giảm phân nửa số lượng thuyền viên làm việc trên tàu.

Thực tế lâu nay, chất lượng cá ngừ đại dương đạt tiêu chuẩn xuất khẩu do ngư dân các tỉnh duyên hải miền Trung câu được chỉ chiếm hơn 30% tổng sản lượng, số cá còn lại phải chuyển sang bán hàng “dạt”, với giá mua chỉ bằng một nửa giá cá xuất khẩu. Với bộ thiết bị gây tê do kỹ sư Phạm Duy Phượng chế tạo, hứa hẹn sẽ giúp ngư dân nâng cao giá trị kinh tế trong mỗi chuyến biển.

Sau chuyến biển thử nghiệm thành công bộ thiết bị gây tê, Công ty cổ phần Bá Hải đặt hàng kỹ sư Phạm Duy Phượng chế tạo 30 bộ để trang bị trên tàu của ngư dân Phú Yên. Ngoài ra, 15 ngư dân ở phường Phú Đông còn đặt hàng kỹ sư Phượng chế tạo 15 bộ thiết bị gây tê để phục vụ việc khai thác cá ngư đại dương trong mùa biển sắp tới. “Tôi muốn chuyển giao bộ thiết bị này cho những ngư dân có nhu cầu, với giá thấp hơn giá cùng chủng loại do Nhật Bản sản xuất”, kỹ sư Phượng cho biết thêm.

Ông Lê Văn Cựu, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh, đánh giá: Bộ thiết bị gây tê phục vụ khai thác cá ngừ đại dương của kỹ sư Phạm Duy Phượng là một giải pháp kỹ thuật tốt, mang nhiều lợi ích. Sở sẽ cử người đến tìm hiểu, nếu đạt yêu cầu thì sẽ hướng dẫn kỹ sư Phượng làm thủ tục để được cấp bằng độc quyền sáng chế.

>> “Sau chuyến biển thử nghiệm bộ thiết bị gây tê, có một nhóm người Nhật Bản tìm gặp tôi và đề nghị cho quay phim, chụp hình, nhưng tôi từ chối vì thiết bị đang trong giai đoạn hoàn thiện. Khi nào bộ thiết bị hoàn hảo thì sẽ cho họ đến tìm hiểu”, kỹ sư Phạm Duy Phượng nói.

Quang Thuần

Báo Phú Yên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!