Rủi ro từ biến đổi khí hậu

Chưa có đánh giá về bài viết

Tôm hùm được thả nuôi quy mô lớn từ năm 2000 tới nay và mặt hàng thủy sản có giá trị này đang phải đối diện với nhiều rủi ro, đặc biệt là biến đổi khí hậu.

Chết vì sốc nước ngọt

Thời gian vừa qua, người nuôi tôm hùm Phú Yên gánh chịu thiệt hại nặng nề do đợt lũ cuối tháng 11/2016 tàn phá. Khoảng 80% tôm hùm nuôi bị chết. Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh Phú Yên, xác định nguyên nhân tôm chết chủ yếu là do nước lũ phát tán từ tầng nước đáy đến tầng nước mặt khiến tôm sốc nước ngọt chết hàng loạt.

Hiện nay, vùng nuôi tôm hùm đều nằm ở các vùng đầm phá, các vịnh, là cửa sông nên nếu nước lũ lớn thì việc tôm bị sốc nước lũ là khó tránh khỏi, vì theo các nhà chuyên môn thì tôm hùm nuôi chủ yếu sống trong trong độ mặn 30‰, nếu độ mặn giảm dưới 20‰ tôm sẽ bị sốc chết. Tình cảnh người nuôi tôm hùm rất bi thảm vì đầu tư vào nuôi tôm hùm đòi hỏi vốn lớn, người dân phải vay mượn ngân hàng. Theo người dân thị xã Sông Cầu, tôm bông sao giá thị trường hiện nay 1,7 triệu đồng/kg nhưng giờ đây chết thối rữa trong lũ. Nhiều gia đình bỗng chốc lâm cảnh trắng tay. Thống kê sơ bộ của xã Xuân Cảnh (thị xã Sông Cầu), địa phương này có 500 hộ dân nuôi tôm hùm, trong đó hộ thiệt hại ít nhất khoảng 100 triệu đồng và nhiều nhất đến 400 triệu đồng. Khi thiệt hại thì rất khó phục hồi sản xuất do thiếu vốn đầu tư. Một câu hỏi mà người dân vùng nuôi đặt ra là việc tính toán mùa vụ, dự  báo lũ đã thực sự tốt hay chưa? Vì trận lũ vừa rồi đúng vào thời điểm tôm gần thu hoạch.  Ngoài ra, việc tìm kiếm giải pháp để tôm hùm “sống chung với lũ” sẽ như thế nào. Năm 2016, tỉnh Phú Yên mới xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản và việc nuôi tôm hùm sẽ như thế nào cho có hiệu quả là vấn đề các cấp, các ngành cần phải giải quyết.

Tôm hùm chết gây thiệt hại cho người nuôi

Tôm hùm chết gây thiệt hại cho người nuôi

Nhiều rủi ro

Người nuôi tôm hùm cho biết việc mưa lũ năm nào cũng xảy ra, do vậy người dân đều có tính toán để chủ động đề phòng. Thế nhưng những năm gần đây, ngoài lũ tự nhiên thì các đập thủy điện cũng kết hợp lúc mưa để xả lũ vô tội vạ khiến cho người nuôi trồng thủy hải sản vùng hạ lưu trở tay không kịp. Đơn cử thời điểm đầu tháng 11/2016 có tới 6 hồ chứa đập thủy điện vừa và lớn xả lũ với tổng lượng trên 200 m3/s, trong đó có 3 hồ xả với lưu lượng lớn là: thủy điện sông Ba Hạ có tổng lượng xả 700 m3/s; thủy điện Buôn Kuốp có tổng lượng xả 1.444 m3/s; thủy điện Srêpốk 3 có tổng lượng xả 1.400 m3/s.

Các tỉnh thiệt hại nhiều như Phú Yên: 311,5 tỷ đồng; Khánh Hòa: 124 tỷ đồng. Tỉnh Phú Yên cũng đã đề nghị hỗ trợ 1.100 tấn gạo cứu đói (cho 11.200 hộ/33.600 nhân khẩu)… Nghề nuôi tôm hùm chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền Trung, đem lại nguồn thu hơn 3.500 tỷ đồng mỗi năm. Song, khác với các ngành nghề khác, phần lớn các địa phương nơi đây chưa có quy hoạch chi tiết và chưa đầu tư hạ tầng cho nghề nuôi tôm hùm. Người dân chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên của địa phương để nuôi thả, dẫn đến rủi ro cao.

Quan tâm phục hồi và phát triển

Tôm hùm là sản phẩm có giá trị thương mại cao và chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Với lợi thế bờ biển dài và nhiều vịnh kín, việc nuôi tôm hùm ở Việt Nam rất có tiềm năng, song nghề nuôi tôm vẫn còn tự phát. Chẳng hạn chỉ một xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu đã có tổng doanh thu tới hơn 700 tỷ đồng từ tôm hùm. Nhiều hộ nuôi thu từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, do thiệt hại liên tục xảy ra trong 3 năm trở lại đây, diện tích nuôi tôm hùm cả nước hầu như chững lại, không phát triển. Một trong những nguyên nhân khiến tôm chết nhiều là ô nhiễm ở các đáy vịnh ngày càng nặng, lượng thức ăn thừa và chất thải dưới đáy vịnh lớn. Thậm chí mùi hôi thối bốc lên, tôm thiếu ôxy gây chậm lớn và chết. Mật độ lồng trên diện tích mặt nước cũng quá dày, như vịnh Xuân Đài có tới 13.000 lồng liên tục luân chuyển nuôi tôm hùm bị xem là “quá sức chịu đựng của vịnh”.

Nghề nuôi tôm hùm mang lại giá trị kinh tế cao nhưng chưa có thương hiệu, thiếu sự liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến – xuất khẩu theo chuỗi giá trị. Việc tiêu thụ chủ yếu dưới dạng tươi sống ở trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Nuôi tôm hùm cũng đang đối phó với dịch bệnh ngày càng nhiều, chủ yếu bị bệnh đỏ thân, đen mang và sữa…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám từng đánh giá nghề nuôi tôm hùm rất triển vọng, ưu thế, khả năng cạnh tranh cao của các tỉnh Nam Trung bộ. Thứ trưởng cũng lưu ý các doanh nghiệp cần liên kết với người nuôi để mở rộng thị trường tiêu thụ tôm hùm.

Sau thiệt hại do mưa lũ, người nuôi hy vọng rằng nhà nước, các doanh nghiệp sẽ quan tâm hơn nữa đến nghề nuôi tôm hùm trong thời gian tới, đặc biệt là trong năm 2017, với nhiều dự án quy hoạch nuôi tôm hùm sẽ được triển khai.

N.A

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!