(TSVN) – Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 5/2022, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 756,9 nghìn tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Cùng đó, xuất khẩu thủy sản cũng dự kiến đạt mức tăng trưởng tốt.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản lượng thủy sản tháng 5 ước đạt 756,9 nghìn tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Sản lượng nuôi trồng đạt 400,9 nghìn tấn, tăng 6,3%; sản lượng khai thác đạt 356 nghìn tấn, giảm 0,7%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, sản lượng thủy sản ước đạt 3.356,9 nghìn tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ, trong đó: Sản lượng nuôi trồng đạt 1.769,3 nghìn tấn, tăng 5,5%; sản lượng khai thác đạt 1.587,6 nghìn tấn, giảm 1% (trong đó, sản lượng khai thác biển đạt 1.518,6 nghìn tấn, giảm 1%).
Trong tháng 5, sản lượng cá tra ước đạt 134,1 nghìn tấn, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Về giá cả, tính tới giữa tháng 5, cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL giữ mức giá ổn định so với trước dịp lễ 30/4. Xuất khẩu sản phẩm này sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc… khả quan do mức giá cá tra xuất khẩu của các doanh nghiệp chế biến trong nước cạnh tranh tốt và mặt hàng cá tra là nguồn thay thế cho một số phân khúc cá thịt trắng bị thiếu hụt có nguồn cung từ Nga. Các doanh nghiệp chế biến trong nước tận dụng cơ hội để gia tăng các đơn hàng xuất khẩu khi giá xuất khẩu bình quân sản phẩm cá tra fillet đông lạnh sang hầu hết các thị trường tăng mạnh. Tuy nhiên, giá cá tra giống có xu hướng giảm sau thời gian tăng mạnh.
Xuất khẩu cá tra sang Mỹ và Trung Quốc đang tăng trưởng rất thuận lợi. Ảnh: LHV
Với con tôm, giá tôm nguyên liệu trong tháng tại các tỉnh ĐBSCL ổn định so với tháng trước. Tôm thẻ chân trắng đang bước vào vụ thu hoạch, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, siêu thâm canh hai giai đoạn, ứng dụng công nghệ cao phát triển tích cực đã mang tới hiệu quả kinh tế cao. Sản lượng tôm thẻ chân trắng tháng 5 ước đạt 57,5 nghìn tấn, tăng 15,9% so với cùng kỳ; sản lượng tôm sú đạt 22,2 nghìn tấn, giảm 0,4%.
Về khai thác, tháng 5/2022, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 356 nghìn tấn, giảm 0,7% so với cùng kỳ, bao gồm: Cá đạt 275,8 nghìn tấn, giảm 0,7%; tôm đạt 12,6 nghìn tấn, giảm 0,8%; thủy sản khác đạt 67,6 nghìn tấn, giảm 0,6%. Tháng 5 bắt đầu vụ cá Nam, tuy nhiên ngư dân tiếp tục gặp khó khăn do giá nhiên liệu tăng cao làm tăng chi phí các chuyến biển, đặc biệt đối với các tàu đánh bắt xa bờ. Sản lượng khai thác biển trong tháng ước đạt 341,3 nghìn tấn, giảm 0,7% so cùng kỳ.
Sản xuất thuận lợi, tình hình xuất khẩu thủy sản hiện nay của nước ta ở hầu hết các thị trường cũng khá hanh thông. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 5/2022, xuất khẩu thuỷ sản chạm mốc 1 tỷ USD, tăng hơn 27% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam mang về 4,6 tỷ USD, tăng khoảng 42% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu tôm ước đạt 1,8 tỷ USD, tăng 38% và chiếm 39% tổng kim ngạch chung; xuất khẩu cá tra tăng gần 90% đạt trên 1,2 tỷ USD.
Đây là kết quả của việc doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã tận dụng tốt các lợi thế từ sự lạm phát cao của thị trường Mỹ, chính sách Zero COVID tại thị trường Trung Quốc và sự phục hồi mạnh mẽ tại thị trường châu Âu…
Tại thị trường Mỹ, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều tăng trưởng cao so với năm 2021, nhất là mặt hàng cá tra. Số doanh nghiệp cá tra được phép xuất khẩu sang Mỹ tăng, trong khi giá bán trung bình sang Mỹ đạt đỉnh mới.
Còn tại Trung Quốc, do nhu cầu nhập khẩu của thị trường này tăng cao nên vẫn thu hút doanh nghiệp Việt Nam. Tính đến cuối tháng 5, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc ước đạt hơn 700 triệu USD, tăng 94% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng mặt hàng cá tra chiếm 53% tổng giá trị.
Theo Bộ NN&PTNT, hiện nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thủy sản trên thị trường rất cao, doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng. Để tận dụng tốt mọi cơ hội, ngành nông nghiệp đang chỉ đạo các địa phương đảm bảo nguồn cung nguyên liệu thủy sản cho chế biến, xuất khẩu trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Phan Thảo