Vừa qua, 20 cá thể trai tai tượng khổng lồ (ngư dân gọi là sò tượng) trên một tàu cá của ngư dân xã Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi) vừa ngoài khơi về cập bến đã bị Bộ đội Biên phòng bắt và tạm giữ. Lý do mà cơ quan chức năng viện dẫn để thực thi nhiệm vụ là việc khai thác trên của ngư dân là hoàn toàn trái với pháp luật của Việt Nam và quốc tế.
Bắt giữ 20 vỏ ốc tai tượng quý hiếm giá “khủng”
Nguyên nhân, số sò tượng trên có nguy cơ tuyệt chủng ở mức cực kỳ nguy cấp (CR), đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và nằm trong danh mục các loài cực kỳ nguy cấp của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Theo một số ngư dân ở xã Bình Châu hành nghề lặn cho biết, thời gian qua sò tượng bán rất chạy, được thương lái Trung Quốc mua với giá rất cao, từ 500 ngàn đến 40 triệu đồng một con tuỳ loại lớn nhỏ. Vì giá trị kinh tế cao và không biết bị cấm nên nhiều tàu cá chuyển sang hàng nghề này và đã thực hiện trót lọt vài phiên biển.
Đáng mừng là, những ngư dân có liên quan đến việc khai thác trên đều chấp hành việc giao nộp số sò tượng trên cho cơ quan chức năng. Song, chia sẻ với chúng tôi họ vẫn còn trĩu nặng nỗi băn khoăn khi bị cơ quan chức năng quy chụp cho rằng họ sai. Trong khi đó, đây là lần đầu tiên họ mới được cho biết sò tượng được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và chưa một lần được nghe các ngành chức năng khuyến cáo không được khai thác loại thuỷ sản này. Và như vậy, “cái sai của ngư dân” trong việc khai thác sò tượng là “cái lỗi rất lớn” của các ngành chức năng của tỉnh. Bởi lẽ, những cơ quan có liên quan của tỉnh như ngành nông nghiệp và biên phòng chậm công khai, tuyên truyền sâu rộng cho ngư dân biết sò tượng là loại hải sản quý hiếm cần được bảo vệ.
Ông Nguyễn Thanh Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã, kiêm Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu cho biết, với một loại thủy sản quý hiếm và được pháp luật bảo vệ như vậy mà lâu nay ngư dân, thậm chí cả chính quyền địa phương và cả Nghiệp đoàn nghề cá cũng chưa được thông tin đầy đủ là điều không thể lấy gì làm vui được. Do đó, thời gian qua ngư dân trong tỉnh rộ lên nạn khai thác sò tượng để bán là điều tất yếu khi loại thuỷ sản này có giá trị kinh tế cao.
Chính cái lỗi này không chỉ làm huỷ hoại nguồn lợi thiên nhiên quý báu dưới lòng biển mà còn gây thiệt hại không nhỏ cho ngư dân, vì phải đầu tư công sức, tiền bạc để mua phí tổn, phương tiện hành nghề này. Do đó, chúng ta không thể quy trách nhiệm một cách chung chung, mà cần phải làm rõ để những vấn đề khác không lặp lại như tình trạng trên.
Mới đây, sau khi phát hiện ngư dân khai thác loài hải sản quý hiếm này đến mức báo động, ngành nông nghiệp của tỉnh mới ban hành văn bản gửi Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng với 6 huyện ven biển và huyện đảo Lý Sơn về việc ngăn chặn việc khai thác, chế biến, mua bán sò tượng. Động thái này dù muộn, nhưng còn hơn không và chắc chắn sẽ góp phần ngăn chặn nạn khai thác sò tượng đang có nguy cơ tuyệt chủng.