Trong tình trạng các sản phẩm thủy sản đang bị cạnh tranh gay gắt trên thị trường và giá trị lợi nhuận ngày một giảm thì việc sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng đang được coi là hướng đi cấp thiết.
Bất đối xứng và cấp thiết
Trái ngược với nuôi trồng có sự phát triển vượt bậc và đem lại lợi ích lớn từ xuất khẩu thì lĩnh vực sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng thời gian qua lại rất ít phát triển. Điển hình là ngành cá tra. Trong thời gian chưa đầy hai thập kỷ, sản lượng cá tra đã tăng 10 lần và số lao động ngành này cũng tăng tương ứng. Tuy nhiên, xuất khẩu ngành hàng này chủ yếu ở dạng nguyên liệu với tỷ trọng gần 90%; rất ít doanh nghiệp nghiêm túc đầu tư vào sản phẩm giá trị gia tăng.
Với ngành tôm cũng vậy, đặc biệt tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Sản lượng hàng năm tăng rất nhanh, nhất là tôm thẻ chân trắng, nhưng số lượng nhà máy sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng lại khiêm tốn. Toàn ngành thủy sản có khoảng 600 nhà máy chế biến xuất khẩu chính nhưng phần lớn là chế biến sản phẩm thô. Năng lực chế biến của các nhà máy này hơn 5 triệu tấn, trong khi sản lượng cung ứng chỉ khoảng 3,5 triệu tấn, nghĩa là thừa nhà máy sản xuất chế biến sản phẩm thô nhưng thiếu nhà máy sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng.
Sau hai thập kỷ phát triển ngành thủy sản, sản lượng tăng nhưng giá hầu như không tăng. Do vậy, hiệu quả từ xuất khẩu sản phẩm nguyên liệu không cao, đặc biệt với việc lãi suất ngân hàng tăng dẫn đến nhiều doanh nghiệp phá sản.
Một thực tế khác là tình trạng khan hiếm nguyên liệu trong một vài năm gần đây, nhất là cá tra và tôm sú; nhưng chúng lại được xuất khẩu giá rẻ. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, xu hướng nguyên liệu giảm sẽ phổ biến trong tương lai, do sự cạnh tranh của nhiều mặt hàng nguyên liệu khác, như cạnh tranh giữa cá rô phi và cá tra, giữa tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Ngoài ra, việc tăng dân số và ảnh hưởng biến đổi khí hậu cũng khiến diện tích canh tác giảm dần.
Sản phẩm giá trị gia tăng từ cá tra của Công ty CP Thủy sản Trường Giang – Ảnh: Bảo Yến
Vấn đề lợi nhuận
Nếu tính riêng từng doanh nghiệp thì có thể lợi nhuận chưa đủ hấp dẫn họ. Một số doanh nghiệp cho biết, “để chế biến xuất khẩu sản phẩm giá trị gia tăng thì phải đầu tư lớn cho khoa học chế biến và dây chuyền công nghệ, chi phí này lớn hơn nhiều so với trang bị dây chuyền chế biến nguyên liệu”.
Song các nhà khoa học khẳng định: “Tính tổng thể toàn ngành thì sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng tạo ra hiệu quả đáng kể. Sản xuất các sản phẩm này góp phần tận thu 25 – 30% những phần tổn thất sau thu hoạch, do các nhà máy chế biến chỉ sử dụng một phần nguyên liệu để xuất khẩu”. Như vậy, nếu mỗi vùng, mỗi tỉnh có những nhà máy sản xuất giá trị gia tăng thì việc giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch sẽ cho hiệu quả rõ, chưa kể giảm tác động ô nhiễm môi trường. Việc sản xuất sản phẩm xuất khẩu thô có thể dẫn tới tổn thất 40% sau thu hoạch.
Một doanh nghiệp sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng cho biết: Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thường chỉ mua tôm cá cùng kích cỡ. Họ loại ra khối lượng rất lớn sản phẩm không đúng kích cỡ và chúng bị bán ra thị trường với giá bèo hoặc tiêu thụ nội địa. Điều này khiến nông dân chán nản, vì không bán được sản phẩm. Trong khi, việc sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng sẽ không quan tâm nhiều đến kích cỡ và sự đồng đều của sản phẩm; vì thế nguồn nguyên liệu khá dồi dào và tận thu được sản phẩm của nông dân.
Nhu cầu thị trường
Những năm gần đây, nhiều thị trường tỏ ra hấp dẫn với các sản phẩm giá trị gia tăng. Lý do đưa ra là một số nước đã và đang tăng cường khai thác, đánh bắt, khiến cho sản phẩm tươi sống của họ có giá rẻ, sản phẩm nhập khẩu khó cạnh tranh. Ngoài ra, do vấn đề thời gian nên việc mua các sản phẩm đã qua chế biến, nhất là các sản phẩm đòi hỏi chế biến công phu, đang ngày càng được chú ý hơn.
Tuy nhiên, sản xuất sản phẩm trị giá gia tăng không chỉ là nhập khẩu nhà máy, dây chuyền hiện đại. Theo đánh giá thì vấn đề tay nghề và khoa học kỹ thuật phải là ưu tiên hàng đầu. Đầu tư vào nông nghiệp, nhất là đầu tư cho khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam 5USD/người (năm 2009) trong khi Hàn Quốc 1.000USD (năm 2007). Việc sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng, hay nói cách khác là sản phẩm ăn liền, đòi hỏi quy trình sản xuất phải khoa học, chặt chẽ và chất lượng sản phẩm phải cao hơn nhiều so với xuất khẩu sản phẩm chưa chế biến.
Song việc chế biến sản phẩm giá trị gia tăng là xu thế không thể đảo ngược, khi sản lượng nuôi trồng ngày càng giảm và giá trị xuất khẩu thô không tăng. Đơn cử việc chế biến toàn bộ con cá tra có thể tạo ra hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với việc mở rộng diện tích, tăng sản lượng. Chẳng hạn chế biến phụ phẩm từ thịt cá vụn, đầu cá, xương cá, da cá, nội tạng cá… tạo ra các sản phẩm surimi cá, dầu cá tinh luyện, bột cá, chà bông, bánh phồng, collagen và gelatin… Sự đa dạng sản phẩm cũng đưa đến sự đa dạng trong tiếp cận và phục vụ thị trường ngày càng phong phú.
>> Bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công Thương Bà Rịa – Vũng Tàu: Để giữ vững tăng trưởng xuất khẩu thủy sản, thời gian tới, các doanh nghiệp cần nâng cao công nghệ chế biến, tạo ra sản phẩm độc đáo, mới lạ phục vụ khách hàng. Chính phủ cần tạo điều kiện trợ vốn cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản trong những dự án mở rộng và có tính khả thi. |