T2, 06/07/2020 02:06

Sáng tối trong khắc phục “thẻ vàng” IUU

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong tình hình đang phải căng mình chống dịch bệnh Covid-19, các địa phương vẫn nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm chấm dứt nạn tàu cá vi phạm khai thác IUU trước khi Đoàn thanh tra của EC sang Việt Nam kiểm tra lần 3, dự kiến cuối tháng 5, đầu tháng 6/2020.

Một tỉnh mất kết nối nghìn tàu

Tỉnh Kiên Giang có ngư trường lớn, số lượng tàu cá lớn và đến nay đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá lớn nhất nước ta. Số liệu của Chi cục Thủy sản Kiên Giang, toàn tỉnh đã lắp đặt cho hơn 3.200 tàu cá. Tuy nhiên, số tàu cá lắp thiết bị giám sát hành trình nhưng mất kết nối với hệ thống giám sát cũng lớn. Thống kê cho biết, hàng ngày có hơn 1.000 tàu cá mất kết nối, trong đó khoảng 75% do các đơn vị cung cấp thiết bị ngắt kết nối vì chủ tàu không hoặc chưa đóng phí sử dụng dịch vụ viễn thông di động vệ tinh theo hợp đồng đã ký.

Chủ tịch Hội Nghề cá TP Rạch Giá Trương Văn Ngữ cho biết, để gắn thiết bị giám sát hành trình, chủ tàu đã chi số tiền khá lớn. Mỗi thiết bị có giá từ 30 – 50 triệu đồng (tùy nhà cung cấp), những chủ tàu có nhiều đôi tàu phải chi hàng trăm triệu đồng và hàng tháng mỗi thiết bị còn đóng cho nhà mạng 350.000 đồng phí nối vệ tinh với trạm bờ. Gần đây, khai thác biển gặp nhiều khó khăn, do hải sạn cạn kiệt và do dịch Covid-19 nên đánh bắt về lắm lúc khó bán hoặc bán giả rẻ, thế là nợ nần.

Sở NN&PTNT Kiên Giang vừa có văn bản đề nghị các nhà cung cấp dịch vụ kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá là Viettel Kiên Giang và Vũng Tàu, Trung tâm kinh doanh VNPT Kiên Giang, Công ty TNHH MTV Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam (Vishipel), Công ty TNHH Zunibal Việt Nam, Công ty TNHH Phát triển Công nghệ Điện tử Bình An hỗ trợ một phần chi phí kết nối vệ tinh cho chủ tàu. Thời gian đề xuất hỗ trợ từ năm 2020 – 2021.

Những tàu mất kết nối thiết bị giám hành trình tàu cá sẽ gây nhiều hệ lụy cho tỉnh Kiên Giang và cả ngành thủy sản trong chống IUU. Bởi vì như Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá, Bến cá tỉnh Kiên Giang Đỗ Xuân Vinh giải thích, không kết nối thì không có cơ sở chứng minh hành trình tàu cá khai thác hợp pháp, không vi phạm vùng biển nước ngoài và do đó, hải sản đánh bắt sẽ không được công nhận hợp pháp. Khi tàu đi khai thác về cảng sẽ được kiểm tra, nếu tàu không kết tối hành trình là có tên trong danh sách vi phạm do Tổng cục Thủy sản công bố, còn không được cập cảng bốc dỡ hải sản.


Tàu cá ở cảng Phú Quốc của tỉnh Kiên Giang, tỉnh đang có hàng nghìn tàu mất kết nối thiết bị giám sát hành trình

 

Tích cực hoàn tất chống IUU

Cũng ở ĐBSCL, tỉnh Sóc Trăng đang nổi bật kết quả hoàn tất chống khai thác IUU.

Tỉnh có 365 tàu cá dài từ 15 m trở lên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng kiêm Tổ trưởng Tổ Kiểm tra IUU tại cảng cá Trần Đề, ông Lư Tấn Hòa cho biết, đã lắp thiết bị giám sát hành trình cho 196 tàu, số còn lại hoàn thành trước ngày 1/4/2020. Hồ sơ IUU, xác nhận, chứng nhận nguồn gốc hải sản khai thác, đăng ký đăng kiểm, cấp phép khai thác và kiểm soát tàu cá ra vào cảng lưu trữ đầy đủ, sẵn sàng cho truy xuất khi có yêu cầu. Dữ liệu kết nối đồng bộ với hệ thống dữ liệu nghề cá Vnfishbase quốc gia. Tại cảng cá, tàu phải có thiết bị giám sát hành trình hoạt động đúng quy định, nếu không sẽ không được xuất cảng. Sau chuyến biển trở về, chủ tàu phải sắp xếp sản phẩm lên cảng cá gọn gàng, ngăn nắp được ghi chép trong sổ nhật ký.

Ông Phan Thanh Liêm có 9 tàu cá ra vào cảng Trần Đề (Sóc Trăng) kể: “Tàu của tôi ra biển hoạt động ở đâu đều hiện rõ trên màn hình, tôi ngồi trên bờ thấy được và còn biết chi tiết tình hình về ngư dân, sản lượng và chất lượng hải sản đánh bắt hằng ngày, cho nên rất an tâm. Sau kết quả quá êm với 7 tàu đã lắp thiết bị, còn 2 tàu tôi đang lo lắp nốt”.

Trong tháng 3/2020, Tổ IUU tại cảng cá Trần Đề đã xác nhận 15 giấy khai thác với sản lượng 1.062 tấn, lũy kế từ đầu năm là 395 giấy với 21.168 tấn. Đồng thời, chứng nhận hải sản khai thác xuất khẩu được 16 giấy với 219 tấn, lũy kế từ đầu năm là 613 giấy với 10.938 tấn cho 10 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh, trong tháng 3/2020, Tổ IUU cảng cá Trần Đề kiểm tra tàu cá tại cửa biển đã nhắc nhở 16 tàu cá; còn lũy kế từ đầu năm nhắc nhở 57 tàu, phát hiện 23 tàu vi phạm và lập biên bản phạt vi phạm hành chính. Hiện nay, Cảng cá Trần Đề đang được báo cáo Tổng cục Thủy sản công nhận là cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, dù nhiều nỗ lực hoàn tất chống khai thác IUU, song vẫn còn một số hạn chế như trình độ chủ tàu và thuyền trưởng chưa tương xứng nên ghi chép nhật ký khai thác chưa kịp thời trên biển. Đa phần khi tàu cập cảng chủ tàu và thuyền trưởng mới hoàn thiện sổ nhật ký để nộp cho tổ kiểm soát. Việc phân bổ hạn ngạch giấy phép cho một số địa phương như tỉnh Vĩnh Long, TP Cần Thơ còn chậm, đã gây khó khăn cho Cảnh cá Trần Đề xác nhận tàu cập và rời cảng.

 

Chuẩn bị đón đoàn EC

Dự kiến hiện nay, Đoàn thanh tra của EC sẽ đến tỉnh Khánh Hòa và Bình Định. Hai tỉnh này đang có nhiều nỗ lực chống khai thác IUU.

Ở tỉnh Bình Định, ngày 6/3, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp Ban chỉ đạo thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU. Tham dự có lãnh đạo các sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố ven biển và ngư dân 5 xã biển của huyện Phù Cát.

“Hiện phải tập trung triển khai đồng bộ 4 nhóm giải pháp chính. Đó là tăng cường thực thi Luật Thủy sản; xử lý nghiêm tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá; quản lý hoạt động khai thác hải sản, tàu cá ra vào cảng, truy xuất nguồn gốc thủy sản. Từ hôm nay, phấn đấu không còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài”, Phó Chủ tịch Trần Châu kết luận. Ông chỉ đạo các sở, ngành liên quan và địa phương tập trung làm chuyển biến tình hình trong thời gian ngắn, kêu gọi ngư dân thực thi pháp luật để đảm bảo nghề cá phát triển ổn định, đảm bảo cuộc sống lâu dài.

Ở tỉnh Khánh Hòa, từ tháng 10/2018 đến nay, không có tàu cá khai thác trái phép vùng biển nước ngoài. Thiết bị giám sát hành trình đã lắp đặt 440 tàu cá (34/34 tàu chiều dài từ 24 m trở lên), tất cả hoạt động ổn định. Đầu tư hệ thống máy vi tính và màn hình cỡ lớn tại trạm bờ Chi cục Thủy sản để giám sát các tàu cá chặt chẽ. Tỉnh có 4 Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Khánh Hòa Võ Nam Thắng cho biết: “Công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng được thực hiện tốt, phù hợp với điều kiện hoạt động của từng cảng. Việc giám sát sản lượng hải sản bốc dỡ được kiểm tra sản lượng và thành phần loài 100%. Hồ sơ xác nhận, chứng nhận nguồn gốc hải sản lưu trữ đầy đủ, đáp ứng nhu cầu truy xuất khi có yêu cầu”.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Thắng cũng thẳng thắn nói về những hạn chế, tàu cá dài từ 15 m trở lên chưa lắp đặt đầy đủ thiết bị giám sát hành trình, nhất là tàu lưới kéo và khai thác gần bờ. Nguyên do khai thác hải sản đang khó khăn, nhân lực nghề biển thiếu và trình độ thấp, giá bán bấp bênh nên chủ tàu không có tiền lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, thậm chí nhiều tàu nằm bờ, chờ bán. Không ít ngư dân quen nghề cá tự phát, tùy tiện.

Còn có khó khăn ở quản lý, nhân viên các Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá và trạm bờ giám sát tàu cá phải thay nhau trực 24/24. Trong lúc, họ phải làm kiêm nhiệm ngoài nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị, rất vất vả. Việc xác nhận hải sản khai thác từ cảng cá tỉnh khác còn nhiều bất cập làm khó khăn cho việc chứng nhận nguồn gốc hải sản khai thác của doanh nghiệp Khánh Hòa. Một số tổ chức quản lý cảng cá chưa cung cấp được giấy phép, nhật ký khai thác, tài liệu liên quan đến việc kiểm soát sản lượng qua cảng, hoặc biên bản bốc dỡ hải sản.

“Chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh sớm bổ sung kinh phí, nhân lực, vật lực cho các đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ chống khai thác IUU. Đồng thời, có hướng dẫn công tác xác nhận nguyên liệu hải sản khai thác cho cảng cá các tỉnh được đồng bộ và có biện pháp xử lý những nơi vi phạm”, Phó Giám đốc Thắng kết luận.

Thanh Hải

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!