LTS: Trong điều kiện khả năng tài chính của hầu hết ngư dân là hạn hẹp và phương án sản xuất chưa cụ thể rất khó chứng minh và vay vốn, Ts Nguyễn Quang Vĩnh – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thẩm định mẫu tầu cá vỏ thép của Bộ NN&PTNT đề xuất cơ chế cho thuê tàu và trả dần bằng sản phẩm nhằm gỡ khó cho ngư dân trong triển khai Nghị định 67. TSVN trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Chủ trương đúng đắn
Ngày 7/7/2014, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị Định 67) về một số chính sách phát triển Thủy sản quy định các chính sách về đầu tư, tín dụng; chính sách ưu đãi thuế và một số chính sách khác.
Đối tượng được hưởng các ưu đãi này rất rộng rãi gồm tất cả các tổ chức cá nhân hoạt động ngành thủy sản có đặt hàng đóng mới, nâng cấp tàu nhằm khai thác, chế biến bảo quản, vận chuyển hàng hải sản trên biển; các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động thủy sản.
Trong hoạt động thủy sản, mảng lớn nhất được ngư dân nói riêng và các tổ chức cá nhân hoạt động trong ngành nói chung quan tâm lớn nhất và đầu tiên là việc được vay vốn ưu đãi để đóng mới và nâng cấp sửa chữa các con tàu đủ sức để vươn xa khai thác có hiệu quả và góp phần bảo vệ biển đảo quê hương.
Trong các chính sách ưu đãi đối với việc hình thành đội tàu khai thác xa bờ có quy định Nhà nước chỉ ưu đãi đối với các tàu lắp máy có công suất máy đẩy từ 400 CV trở lên; ưu tiên hơn đối với vật liệu vỏ thép, vỏ vật liệu mới (về tỷ lệ tổng mức vay, lãi xuất được cấp bù, chi phí thiết kế mẫu…)
Triển khai thực hiện Nghị định 67 riêng về lĩnh vực đóng mới và nâng cấp các tàu khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá, Bộ NN&PTNT mà trực tiếp là Tổng cục Thủy sản đã ra nhiều văn bản hướng dẫn.
Tuy nhiên cho đến nay, mặc dù có những cố gắng lớn từ quản lý nhà nước đến người thực hiện đã trải qua 9 tháng nhưng Nghị định 67 đi vào cuộc sống còn rất hạn chế nếu như không muốn nói hầu như vẫn “dẫm chân” tại chỗ.
Rào cản lớn nhất cho việc triển khai có lẽ là ở cơ chế xét duyệt cho vay vốn. Dù ngư dân có được hưởng chế độ lãi suất thấp nhưng vay vẫn phải trả và vốn vay là của các ngân hàng (phần lớn là ngân hàng cổ phần) nên ngân hàng buộc phải thu được và không thể thất thoát. Cả hai điều đó bắt buộc người vay và nhất là người cho vay thận trọng khi thẩm định vay – trả.
Đòi hỏi về tay nghề và kinh nghiệm khai thác ngư dân có thừa nhưng khả năng tài chính và phương án sản xuất cụ thể tức khả năng quản lý (như Nghị định 67 yêu cầu) theo ý kiến nhiều chuyên gia thì là rất hạn chế bởi ngư dân nhìn chung còn rất nghèo, năng lực quản lý còn rất thấp.
Sao không thử cơ chế cho thuê tàu?
Để Nghị định 67 sớm đi vào cuộc sống và có hiệu quả, ngoài cơ chế lập dự án vay vốn đóng tàu của ngư dân như hiện nay, đề nghị Nhà nước và các cơ quan hữu trách cho áp dụng thử cơ chế cho thuê tàu và trả dần bằng sản phẩm, khi trả xong thì tài sản là con tàu sẽ thuộc quyền sở hữu của ngư dân.
Về cơ chế cho thuê tàu có thể mô tả như sau:
– Một tổ chức ví như HTX nghề cá; một công ty hay cơ sở chế biến bảo quản tiêu thụ thủy hải sản; thậm chí cơ sở đóng sửa tàu như Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC) hiện nay hay một cá nhân tự xét thấy có năng lực tài chính, năng lực quản lý gắn bó với ngành nghề thủy sản tạm gọi tắt là nhà đầu tư cấp . Nhà đầu tư cấp I đứng ra lập dự án đóng mới các con tàu khai thác và tàu dịch vụ nghề cá trên cơ sở cân đối khả năng tài chính, khả năng quản trị và đặc biệt là khả năng tập hợp được lực lượng nhận cho thuê tàu tức là ngư dân hoặc nhóm ngư dân (tạm gọi là nhà đầu tư cấp II). Khi dự án được cấp có thẩm quyện phê duyệt và ngân hàng chấp thuận sẽ được giải ngân theo tiến độ triển khai đóng lắp các con tàu.
1. Nhà đầu tư cấp II tức một hoặc một nhóm ngư dân có kinh nghiệm vận hành và khai thác có hiệu quả con tàu liên hệ làm hợp đồng thuê mướn lại con tàu (dạng nhận khoán sản phẩm có thể bằng tiền hoặc bằng sản phẩm tùy sự thỏa thuận đôi bên). Khi người dân trả hết số tiền đầu tư kể cả gốc và lãi thì con tàu đó sẽ thuộc quyền sở hữu hoàn toàn của người thuê tàu.
2. Nhà nước chỉ là người xây dựng và điều phối cơ chế chính sách tạo sự hài hòa giữa các bên nhất là nhà đầu tư cấp II là người tạo nguồn sản phẩm thủy sản nhưng lại dễ bị thiệt thòi nhiều nhất. Mô hình có thể biểu diễn ở sơ đồ 1.
Nhiều ưu điểm
Mô hình cho thuê tàu có nhiều ưu điểm. Đầu tiên, về phía ngư dân – nhà đầu tư cấp II tránh được áp lực vay vốn và lập dự án để ngân hàng thẩm định cho vay. Công việc này hầu hết ngư dân không biết làm phải thuê “cò mồi” với danh nghĩa là nhà tư vấn giúp làm hộ và thực chất người ngư dân cũng chẳng hiểu “mô tê” ra sao. Với con tàu thật, ngư dân có thể tự đánh giá được các tính năng đi biển, tính năng khai thác và thậm chí giá thật mà họ có thể đàm phán để thuê chứ không phải giá “vống” mà nhiều nhà đầu tư cấp I có thể khai để được cấp vay vốn rộng rãi hơn nếu không muốn nói là có mục đích rút ruột từ trong đó.
Câu hỏi đặt ra là: Vậy nhà đầu tư cấp I sẽ được lợi gì? Trước mắt họ có một tài sản là đội tàu đủ mạnh để cho ngư dân thuê vươn khơi mà không bị áp lực quá lớn phải trả vì lãi suất thấp và thời gian cho vay dài tới trên 10 năm. Thứ nữa họ được quyền bao tiêu sản phẩm hưởng lợi nhuận thứ cấp ở khâu tiêu thụ có khi thường cao hơn nhiều nhà sản xuất.
Với tài quản lý sẵn có họ không những điều khiển tốt đội tàu đánh bắt của mình trên biển mà cả ngay trên bờ như kế hoạch bốc dỡ hàng, kế hoạch bảo hành sửa chữa tàu định kỳ mà thường ngư dân rất yếu về công việc này.
Đây âu cũng là mô hình sản xuất theo chuỗi mà Bộ NN&PTNT đang muốn áp dụng đối với ngành thủy sản nói riêng và toàn ngành nông nghiệp nói chung.
Ưu điểm tiếp theo là ngân hàng cho vay nắm được kẻ “có tóc” là những nhà đầu tư cấp I có đủ năng lực chuyên môn, tài chính và tài quản lý. Kế hoạch cho vay vốn không thay đổi trong khi lượng người vay giảm đáng kể nên dễ tập trung kiểm tra kiểm soát và thu hồi vốn không dàn trải như thời kỳ xa bờ đợt 1996 – 2000 dẫn đến thất thoát vốn lớn.
Bên cạnh đó, Nhà nước với cơ chế chính sách như hiện tại vẫn đạt được mục đích là tạo được những chiếc “cần câu” là đội tàu để cung cấp cho ngư dân vươn khơi nhưng thay vì phải vay để đóng tàu, ngư dân trước tiên đi thuê sau mua lại tàu bằng các sản phẩm mình làm ra.
Thực ra, nhiều nước quanh ta đang có cơ chế này, Trung Quốc là một ví dụ. Với Việt Nam, Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC) mấy năm gần đây cũng đã áp dụng mô hình đóng tàu cho ngư dân thuê và theo thông tin ban đầu là có hiệu quả cần được tổng kết và nhân rộng.
Vừa qua, Công ty Việt Nhật liên doanh giữa Công ty YANMAR của Nhật và đối tác Việt Nam dự kiến vay vốn đóng 60 tàu cho ngư dân 3 tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên thuê khai thác và trả bằng sản phẩm cá ngừ đại dương đủ chất lượng xuất qua thị trường Nhật. Sau một thời gian khai thác sử dụng bằng sản phẩm thanh toán với nhà đầu tư tương đương giá trị cả gốc và lãi con tàu, ngư dân sẽ là người chủ phương tiện thuê đó.
> Những năm sắp tới, ngành thủy sản phải đóng mới 2.079 tàu khai thác hải sản xa bờ và 205 tàu dịch vụ hậu cần có công suất trên 400cv. Nếu tính cho đến năm 2020, bình quân mỗi năm toàn ngành phải có được 380 tàu đóng mới trong đó tàu dịch vụ hậu cần thường có quy mô lớn hơn chiếm khoảng 10%. Đó là một con số không hề nhỏ kể cả số vốn vay và số lượng tàu đóng ra. |