Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã trình Chính phủ đề án thành lập lực lượng Kiểm ngư sớm hơn dự kiến (kế hoạch là tháng 9.2011). Phóng viên đã phỏng vấn ông Lưu Văn Huy, chánh thanh tra tổng cục Thuỷ sản, đơn vị được bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn giao chủ trì xây dựng đề án này.
Thưa ông, Kiểm ngư sẽ được tổ chức theo mô hình nào?
Hệ thống tổ chức của lực lượng Kiểm ngư ở Trung ương sẽ là cục Kiểm ngư thuộc tổng cục Thuỷ sản, có các phòng ban, kiểm ngư vùng và một số đơn vị sự nghiệp. Tại địa phương là các chi cục Kiểm ngư – Kiểm ngư tỉnh thuộc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn; tại các khu vực trọng điểm có các trạm Kiểm ngư và đội Kiểm ngư. Bộ khung của kiểm ngư sẽ dựa trên lực lượng thanh tra chuyên ngành thuỷ sản hiện nay.
Có ý kiến nói, không nên ở địa phương nào cũng cần có chi cục Kiểm ngư, mà chỉ cho các địa phương có đường bờ biển dài?
Suy cho cùng sửa luật (dự kiến luật Thuỷ sản sửa đổi trình ra Quốc hội đầu năm 2014 sẽ có một chương về Kiểm ngư – PV) là căn cứ pháp lý cao nhất, nhưng trong thời gian chưa sửa được luật, thì có thể xây dựng căn cứ bằng một nghị định, nhưng Uỷ ban thường vụ Quốc hội phải đồng ý. Khi đó tuỳ từng địa phương mà quyết định xem dưới cục Kiểm ngư có cần thiết xây dựng Kiểm ngư vùng hay không, hoặc địa phương nào cần có chi cục Kiểm ngư.
Kiểm ngư sẽ dựa trên khung của thanh tra thuỷ sản, vậy sắp tới hoạt động của Kiểm ngư có đổi mới?
Hoạt động của thanh tra thuỷ sản hiện chủ yếu theo dõi, phát hiện, lập biên bản để phối hợp với Biên phòng, Cảnh sát biển xử lý, chứ không có một thẩm quyền xử lý nào, như với tàu nước ngoài xâm phạm. Vì vậy, Kiểm ngư phải là lực lượng nòng cốt tổ chức, hướng dẫn ngư dân, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền biển Quốc gia, đặc biệt là thực hiện chủ trương “dân sự hoá” ở các vùng biển nhạy cảm mà không thể có sự hiện diện của các lực lượng vũ trang. Nghĩa là Cảnh sát biển, Hải quân là lực lượng vũ trang sẽ xua đuổi, xử lý các hoạt động vi phạm bờ biển. Kiểm ngư không phải là lực lượng vũ trang, mà là bán vũ trang, được sử dụng vũ khí để tự vệ. Song trong trường hợp bị đe doạ, thì có thể trấn áp, còn bình thường, chỉ kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính.
Kiểm ngư sẽ bảo vệ, giúp đỡ ngư dân ra sao trên những vùng đánh bắt nhạy cảm?
Nhiệm vụ chính, quan trọng nhất là phục vụ dân. Nói nôm na như ta có nhà, thì phải có cửa, mà cửa mở thì phải cần người gác. Gác ở cửa ngoài cùng của vùng biển là các lực lượng Biên phòng, Cảnh sát biển… nhưng nếu lọt qua các cửa đó, như tàu cá nước ngoài vào vi phạm thì Kiểm ngư sẽ hỗ trợ ngư dân. Hay ở vùng biển tranh chấp, nếu ngư dân thấy tàu Kiểm ngư thì đi khai thác sẽ yên tâm hơn. Các tổ đội sản xuất đánh bắt trên biển, nếu thấy tàu lạ đe doạ thì báo cho Kiểm ngư; nếu gặp thiên tai, sự cố cũng có thể báo để lực lượng này hỗ trợ cho ngư dân.
Dự kiến khi nào thành lập lực lượng Kiểm ngư, thưa ông?
Thành lập Kiểm ngư là việc cấp bách, vì thế, khi Chính phủ đồng ý về nguyên tắc là chúng tôi trình Chính phủ đề án ngay trong quý 2, thay vì đến tháng 9. Trong khi chờ sửa luật thì lâu quá, nên chúng tôi vận dụng điều 14 của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, theo đó, Chính phủ có thể xin phép Uỷ ban thường vụ Quốc hội để ban hành một nghị định. Nhưng do Quốc hội khoá XIII vừa mới được bầu lên, chúng tôi đang rất mong Uỷ ban thường vụ Quốc Hội thông qua, giao lại cho Chính phủ xây dựng nghị định, khi đó Chính phủ sẽ giao lại cho chúng tôi và bắt tay vào làm ngay.
Chí Hiếu
Theo Sài Gòn Tiếp Thị