Do tình trạng ấm lên ở các đại dương, kích cỡ quần thể và số lượng loài sinh vật biển đang có xu hướng tăng dần về phía các cực của trái đất và giảm dần về phía xích đạo.
Theo một nghiên cứu được đăng trên ScienceDaily, xu hướng trên xảy ra rất phổ biến ở các đại dương và ở tất cả các loài sinh vật biển được nghiên cứu, từ sinh vật phù du đến động vật không xương sống và từ cá đến chim biển.
Trên cơ sở nghiên cứu các dữ liệu hiện có về phân bố của các loài sinh vật trên toàn cầu, các nhà khoa học đã nhận thấy kích cỡ quần thể của 304 loài sinh vật biển gia tăng rõ rệt nhất khi mẫu được lấy tại các vùng giáp ranh các cực trong phạm vi phân bố của chúng.Ngoài ra, số lượng các loài cũng đã thay đổi trên quy mô lớn, cho thấy chúng không thể thích nghi với sự ấm lên của nước biển.
Từ đó, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng đến năm 2050, nếu nhiệt độ nước biển tăng 1,50C so với thời kỳ tiền công nghiệp, sẽ tiếp tục có sự thay đổi về số lượng các loài sinh vật biển theo vĩ độ, bao gồm các loài có tính quan trọng đối với sinh kế ở các vùng ven biển. Ví dụ, chim cánh cụt hoàng đế có số lượng ít đi khi nước biển trở nên quá ấm ở vùng rìa xích đạo; một số loài như cá chẽm châu Âu phát triển mạnh tại rìa vùng cực, điều mà ít xảy ratrước đây.
Các nhà khoa học cho rằng, cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa để hiểu biết một cách chi tiết hơn cách mà biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến các loài sinh vật biển ở tất cả các nơi trên thế giới.