Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 8 tháng triển khai Nghị định 67 mới được tổ chức, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã làm rõ nhiều vấn đề quan trọng và chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương một số nhiệm vụ tiếp theo.
Theo các địa phương, một trong những khó khăn khi thực hiện Nghị định 67 là Ngân hàng Thương mại (NHTM) không cho vay đối với những tàu đã có công suất 400 CV trở lên để ngư dân nâng cấp, bao gồm cả chi phí gia cố vỏ tàu, chi phí mua trang thiết bị và ngư lưới cụ mới phục vụ khai thác thủy sản. Các NHTM cho biết ngư dân muốn được cho vay để nâng cấp trang thiết bị cho tàu cá thì họ phải thay mới máy (trong khi máy cũ vẫn sử dụng được). Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, tất cả được hưởng hỗ trợ vay vốn mà không cần phải thay máy.
Tất cả tàu cá của ngư dân được hưởng hỗ trợ vay vốn không cần phải thay máy – Ảnh: Xuân Trường
Về thiết kế tàu cá, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu việc ủy quyền cho địa phương điều chỉnh gắn liền với trách nhiệm, còn điều chỉnh lớn về thiết kế phải thông qua phê duyệt của Bộ. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đồng ý Nhà nước hỗ trợ thiết kế tàu vỏ gỗ đánh bắt xa bờ cho ngư dân. Phó Thủ tướng cũng đồng ý phương án ngư dân có thể trả vốn đối ứng theo tiến độ, không cần phải trả 1 lần mà có thể chia làm 3 – 4 đợt cho tới khi hoàn thành đóng tàu. Với quy định lãi suất cho vay vốn lưu động là 7%, Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất nếu thấy cao hơn lãi suất thông thường, đồng thời phải để người dân thuận lợi nhất khi tiếp cận tới vốn lưu động.
Về chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67, báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, sau 8 tháng triển khai, tổng số phí bảo hiểm ghi nhận 46,2 tỷ đồng; tổng số tiền bảo hiểm gần 3 nghìn tỷ đồng. Tổng số tàu tham gia bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ là 1.837 tàu; số lượng thuyền viên được bảo hiểm là 23.604 người. Tuy số lượng tàu và thuyền viên tham gia bảo hiểm chưa nhiều (khoảng 6,4% tổng số tàu) song đây là kết quả đáng ghi nhận, tạo đà cho việc triển khai trong thời gian tới.