(TSVN) – Năm 2021, dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu tôm của tỉnh Sóc Trăng vẫn vượt kế hoạch đề ra, đạt trên 1 tỷ USD, và là lần thứ hai liên tiếp dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu tôm.
Ngày 27/12, Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng cho biết, mặc dù ảnh hưởng dịch COVID-19, nhưng ngành nuôi trồng và xuất khẩu tôm của địa phương vẫn tăng trưởng mạnh. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt gần 1,3 tỷ USD, vượt 28% kế hoạch đã đề ra và tăng gần 15% so với năm 2020.
Trong đó, xuất khẩu thủy sản (chủ yếu là tôm) đạt 1,03 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm 2020. Như vậy, đây là năm thứ hai liên tiếp, ngành thủy sản tỉnh Sóc Trăng dẫn đầu cả nước về xuất khẩu tôm và là tỉnh đầu tiên ở Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu tôm đạt trên 1 tỷ USD.
Góp phần vào sự tăng trưởng này, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm ở Sóc Trăng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, vừa phòng chống đại dịch, vừa duy trì hoạt động sản xuất. Các doanh nghiệp đã chủ động đầu tư trang thiết bị, mở rộng thị trường, đa dạng sản phẩm nên kim ngạch xuất khẩu tôm không chỉ giữ vững mà còn tăng trưởng mạnh.
Sự tăng trưởng của xuất khẩu tôm và gạo đã giúp Sóc Trăng vượt qua một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Kim ngạch xuất khẩu của Sóc Trăng chỉ xếp sau Long An, Tiền Giang và Cần Thơ.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, năm 2021, diện tích nuôi tôm toàn tỉnh đạt trên 53.000 ha tôm, vượt gần 4% so với kế hoạch và tăng gần 2,5% so với 2020. Trong đó, tôm thẻ chân trắng 40.000 ha (chiếm 75,5% diện tích thả nuôi), tôm sú 13.000 ha (chiếm 24,5% diện tích thả nuôi).
Những doanh nghiệp đóng góp lớn trong lĩnh vực nuôi trồng và xuất khẩu tôm của Sóc Trăng là Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, Công ty TNHH Khánh Sủng, Công ty TNHH Tài Kim Anh, Công ty TNHH Kim Anh, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng, Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Út Xi… Trong số đó, có nhiều trang trại nuôi tôm quy mô công nghiệp của các doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta,… đạt năng suất cao, góp phần cung ứng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc và phục vụ tốt cho xuất khẩu.
Dự kiến, năm 2022, khi dịch bênh COVID-19 được kiểm soát, các địa điểm như: khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí, du lịch,… được mở của trở lại, nhu cầu về thực phẩm (trong đó có tôm) tăng, kim ngạch xuất khẩu tôm sẽ có nhiều triển vọng. Sang năm 2022, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu diện tích nuôi tôm không tăng nhưng sản lượng tăng. Tỉnh đã đề ra chủ trương nuôi tôm thâm canh, tăng chất lượng tôm nuôi, đồng thời, kiểm soát tốt chất lượng khâu đầu vào, nhất là yếu tố về giống, tổ chức sản xuất áp dụng công nghệ và liên kết với các nhà máy để tiêu thụ sản phẩm.