(TSVN) – Từ đầu năm 2023 đến nay, tại Sóc Trăng giá tôm thương phẩm liên tục giảm mạnh trong khi giá thức ăn cùng các chi phí đầu vào khác phục vụ cho nuôi tôm gia tăng đã khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến người nuôi mà ảnh hưởng đến diện tích, tiến độ thả tôm trên địa bàn tỉnh.
Người nuôi tôm tạm “treo ao”
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, giá tôm thẻ nguyên liệu thời gian gần đây liên tục sụt giảm. Hiện, tôm thẻ loại 100 con/kg thu mua tại ao chỉ còn 83.000 đồng/kg, giảm 21.000 đồng/kg so cùng kỳ năm trước; tôm loại 30 con/kg có giá dao động từ 116.000 – 132.000 đồng/kg, giảm từ 30.000 đồng/kg.
Tại Hợp tác xã Nông ngư 14/10 (huyện Mỹ Xuyên) hiện có 31 ha nuôi tôm thẻ, với 24 thành viên, thu hoạch trên 30 tấn. Giá tôm đang ở mức thấp trong khi chi phí thức ăn và vật tư đầu vào tăng và dịch bệnh phát sinh nhiều, trừ chi phí sản xuất người nuôi từ hòa vốn cho đến lỗ vốn. Chi phí sản xuất hiện nay đội lên rất nhiều, không chỉ thức ăn, giá điện, chi phí vận chuyển, mà tất cả các thứ liên quan đến con tôm đều tăng nên các thành viên Hợp tác xã đều sản xuất cầm chừng.
Theo các chuyên gia, giá tôm nguyên liệu ở Việt Nam giảm mạnh là do nhiều nước trên thế giới trúng mùa tôm. Trong khi đó, chi phí sản xuất tôm nguyên liệu Việt Nam khá cao do qua nhiều khâu trung gian. Với giá tôm nguyên liệu hiện nay, các hộ nuôi ở Trà Vinh chỉ hòa vốn, hoàn toàn không có lãi, thậm chí còn thua lỗ nếu xảy ra dịch bệnh. Chính vì vậy, hiện nhiều hộ sau khi thu hoạch đã chọn giải pháp tạm “treo ao”, chưa vội tái vụ để chờ giá tăng trở lại.
Giá tôm giảm mạnh gây khó khăn cho người nuôi. Ảnh: Thạch Hồng
Doanh nghiệp chế biến cũng lo
Theo bà Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, tính đến ngày 30/6 toàn tỉnh Sóc Trăng đã thả nuôi 32.050,3 ha, đạt 62,8% so với kế hoạch; trong đó, tôm thẻ chân trắng 24.256,5 ha, tôm sú 7.793,8 ha. Hiện, diện tích thả nuôi thu hoạch 7.408 ha, sản lượng 42.567,4 tấn.
Từ đầu năm đến nay, diện tích thả tôm nuôi thị xã Vĩnh Châu được gần 12.000 ha, thấp hơn cùng kỳ năm 2022 hơn 2.020 ha; trong đó, tôm thẻ 9.432 ha, hiện thu hoạch 3.392,5 ha, năng suất 5,75 tấn/ha, sản lượng 19.524 tấn; tôm sú 2.540 ha thu hoạch 454 ha, năng suất 3,84 tấn/ ha, sản lượng 1.744 tấn. Trong tổng số 6.000 ha diện tích tôm thẻ và tôm sú thu hoạch, chỉ có 56% mang về lợi nhuận cho hộ nuôi, số còn lại từ hòa vốn đến lỗ vốn.
Hiện, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng đang tiếp tục khuyến cáo hộ nuôi tiếp tục tham gia sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể dưới hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã; đồng thời, ngành tiếp tục làm việc với ngân hàng và các đại lý cung cấp vật tư đầu vào để bàn bạc phương án, kế hoạch để người nuôi tôm có thể tiếp cận được nguồn vốn vay trong sản xuất; phối hợp với các công ty, doanh nghiệp xây dựng mối liên kết bền vững từ đầu vào đến đầu ra để hộ nuôi tôm yên tâm đầu tư sản xuất.
Giá tôm nguyên liệu giảm sâu không chỉ gây bất lợi trực tiếp cho nông dân, mà còn kéo theo hàng loạt hệ lụy một khi nhà nông treo ao, bỏ đầm. Đây cũng là lo lắng chung của các doanh nghiệp chế biến về vấn đề nguyên liệu trong thời gian tới.
Dự báo quý III năm nay, xuất khẩu tôm vẫn còn khó khăn do ảnh hưởng của lạm phát trên thế giới. Dự kiến, phải đến tháng 8, các nhà nhập khẩu tôm của Mỹ mới có thể tăng nhập khẩu trở lại.
Bộ NN&PTNT cũng nhận định các thị trường xuất khẩu nông lâm, thủy sản lớn của Việt Nam đang dần lấy lại đà tăng trưởng sau khi lạm phát của các nền kinh tế lớn được kiểm soát.
Hải Đường
(Tổng hợp)