Sóc Trăng: Hướng đến vụ tôm 2022 thắng lợi

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thời gian qua, người nuôi tôm ở Sóc Trăng đã khởi động vụ tôm năm 2022. Đến nay, nông dân trên địa bàn tỉnh đã thả nuôi được trên 900 ha/51.000 ha kế hoạch. Để ngành tôm trên địa bàn tỉnh tiếp tục thắng lợi, ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng đã có những khuyến cáo, định hướng về thời điểm thả nuôi.

Theo Sở NN&PTNT Sóc Trăng, trong năm 2021, nuôi tôm nước lợ Sóc Trăng đạt 53.000 ha, vượt 3,92% kế hoạch, tăng 2,49% so với cùng kỳ. Trong đó, tôm thẻ chân trắng 40.000 ha (chiếm 75,5% diện tích thả nuôi) và tôm sú 13.000 ha. Diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh chiếm 93,7%. Tỷ lệ tôm bị thiệt hại chiếm chưa đến 6%, thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm 2020. 

Dù thời tiết đầu vụ nuôi năm 2021 có xảy ra nắng nóng kéo dài, đến nữa vụ nuôi do ảnh hưởng của áp thấp, bão gây mưa cục bộ, biên độ nhiệt ngày đêm chênh lệch lớn, nhưng tỷ lệ tôm nuôi thiệt hại ở mức thấp là do việc thả nuôi đã được người dân bố trí theo mô hình thả cuốn chiếu, áp dụng các quy trình kỹ thuật tiến bộ, chú trọng công nghệ, nâng cao năng suất, an toàn thực phẩm. Theo thống kê, diện tích thiệt hại nhiều nhất tập trung vào tháng 7, chủ yếu là do sự biến động của môi trường.

Trong năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu nuôi tôm nước lợ khoảng 51.000 ha (tôm sú 13.000 ha, tôm thẻ chân trắng 38.000 ha). Về sản lượng tôm nước lợ đạt khoảng 196.000 tấn (tôm sú 25.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 171.000 tấn). 

Từ những dự báo về tình hình thời tiết và thực hiện theo khung lịch thời vụ thả giống tôm nước lợ năm 2021 của Tổng cục Thủy sản, nhất là sự thống nhất của các địa phương nuôi tôm trọng điểm trong tỉnh, Chi cục Thủy sản Sóc Trăng đã đưa ra khung lịch thời vụ thả tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh sẽ bắt đầu từ ngày 10/01/2022 và sẽ kết thúc vào ngày 30/9/2022. Trong đó, đối với tôm thẻ chân trắng từ 10/01 – 30/9/2022; tôm sú là từ 10/3 – 30/9/2022.

Ảnh minh họa

Đối với mô hình tôm – lúa, phải bố trí thả nuôi tôm, thu hoạch kết thúc trước tháng 9 để chuẩn bị cho việc trồng lúa. Còn đối với các vùng, cơ sở nuôi, nhất là hộ nuôi nhỏ lẻ không đáp ứng đủ điều kiện nuôi và cụ thể là không chủ động được nguồn nước, để hạn chế bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, bệnh đốm trắng và các yếu tố môi trường bất lợi thì hạn chế không thả nuôi vào các khoảng thời gian mà thời tiết khắc nghiệt dự báo tháng 4 thời tiết nắng nóng và độ mặn cao và tháng 6, tháng 7 thời tiết mưa dầm.

Đối với các doanh nghiệp, trang trại nuôi quy mô lớn có khả năng đáp ứng yêu cầu điều kiện nuôi, mô hình nuôi thâm canh, bán thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, nuôi 2 hay nhiều giai đoạn có thể bố trí rải vụ quanh năm nhưng cần chủ động dự trữ nước, nuôi nước, có giải pháp ứng phó với thời tiết bất lợi.

Tất cả các mô hình nên chú trọng vận dụng các mô hình nuôi hiệu quả như: mô hình nuôi 2 giai đoạn, mô hình ứng dụng vi sinh, mô hình kết hợp cá rô phi/cá chẽm/cá đối mục hoặc tôm càng xanh toàn đực với tôm thẻ hoặc tôm sú và đặc biệt là mô hình đa dạng hóa sinh học trong ao nuôi, nuôi ao lót bạt…

Đồng thời, ngành sẽ thường xuyên cập nhật thông tin diễn biến tình hình nuôi, môi trường thời tiết và cảnh báo dịch bệnh. Trường hợp cần thiết sẽ điều chỉnh lịch thả giống cho phù hợp với điều kiện sản xuất.

Để đạt được các mục tiêu trên, ngành nông nghiệp địa phương cần tập trung những hộ nuôi nhỏ lẻ với nhau thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, hợp tác thành các vùng sản xuất nguyên liệu lớn liên kết với các doanh nghiệp để cung ứng vật tư đầu vào gắn với thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Đặc biệt chú trọng công tác phối hợp giữa các bên: nhà nước, người sản xuất, doanh nghiệp, hiệp hội. Đồng thời, tiếp tục hướng tới việc sản xuất an toàn và trách nhiệm theo các quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC,… để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu thụ. 

Ngành chức năng cũng thường xuyên cập nhật thông tin về giá cả thị trường, quan trắc môi trường, dịch bệnh cảnh báo kịp thời cho vùng nuôi; tuyên truyền người nuôi tôm ao đất thả nuôi mật độ thưa hơn do áp lực của giá các yếu tố đầu vào tăng, giá tôm giảm. Hiện, người nuôi ao đất đã nắm bắt được thông tin và tính toán được là phải giảm mật độ để nuôi tôm kích cỡ lớn.

Đồng thời, Sóc Trăng sẽ đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình nuôi có hiệu quả như: mô hình nuôi tôm áp dụng quy trình tuần hoàn khép kín, nuôi tôm kết hợp cá rô phi, nuôi tôm 2 – 3 giai đoạn,… để người dân ứng dụng vào sản xuất. Tiếp tục hỗ trợ xây dựng các mô hình nuôi các giống mới có giá trị kinh tế, nuôi ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm giá thành sản xuất để nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Bình An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!