T2, 06/07/2020 12:53

Sóc Trăng: Làng biển Kinh Ba sau bão Linda

Chưa có đánh giá về bài viết

Cho đến bây giờ, mỗi khi nhắc lại trận bão Linda lịch sử vào đầu tháng 11/1997, lão ngư Huỳnh Văn Kiểng (Năm Kiểng) ở Kinh Ba, huyện Trần Đề vẫn chưa hết ám ảnh, bởi nó cướp đi những bạn (ngư phủ) giỏi nghề câu kiều của ông, khiến ông phải chuyển sang làm nghề lưới. Tuy nhiên, cũng theo lão ngư Năm Kiểng, cùng chính nhờ có cơn bão này, làng biển Kinh Ba này mới có đội tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu như ngày nay.

Đội tàu khai thác biển của tỉnh Sóc Trăng ngày một đông đúc, to lớn và hiện đại hơn

Đội tàu khai thác biển của tỉnh Sóc Trăng ngày một đông đúc, to lớn và hiện đại hơn

Ký ức về Linda

Đã 20 năm trôi qua, nhưng ký ức kinh hoàng về cơn bão Linda lịch sử vẫn như còn hiện hữu với lão ngư Năm Kiểng và những người đi biển thuộc thế hệ của ông. Ông kể: “Không thể diễn tả hết được sự khủng khiếp của cơn bão Linda. Tôi đã ra lệnh cho các ngư phủ cắt hết mọi dây câu đã thả, nhưng vẫn không chạy thoát bão được và không bao lâu thì tàu bị bão đánh chìm. Toàn bộ bạn biển của tôi chuyến đó có 7 người thì chỉ còn 2 người sống sót”.

Không chỉ có tàu của ông Năm Kiểng, mà hàng chục con tàu khai thác biển cùng hàng trăm ngư phủ của tỉnh Sóc Trăng đã vĩnh viễn nằm lại với biển sau cơn bão lịch sử này. Tuy nhiên, vẫn có những con tàu sống sót một cách thần kỳ nhờ vào bản lĩnh của các thuyền trưởng và người chỉ huy trên đất liền.

Đó là câu chuyện của thuyền trưởng Ba Cuội thuộc đội tàu khai thác của Công ty khai thác hải sản tỉnh Sóc Trăng lúc bấy giờ mà ông vẫn thường hay kể cho tôi nghe trước đây. Lúc đó, tàu của ông lọt vào vòng xoáy, với bốn bề là sóng cao, gió mạnh, nên nhiều thủy thủ định ôm phao bỏ tàu. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm và bản lĩnh của mình, ông đã ra lệnh cho mọi người không ai được rời tàu lúc này, vì như thế là đồng nghĩa với cái chết. Cố gắng xoay sở, cuối cùng ông cũng đưa được con tàu của mình đến gần với Côn Đảo, nhưng vẫn không có cách nào để tiến át vào bờ. Lúc này ông mới ra lệnh tất cả rời tàu để bơi vào đảo, nên tất cả đều được an toàn.

Đó còn là câu chuyện và cũng là kinh nghiệm quý báu của đội tàu 6 chiếc đánh bắt xa bờ của bà Ba Hòa ở Kinh Ba. Khi nghe tin bão xuất hiện gần khu vực đội tàu đang đánh bắt, ông liền lên máy theo dõi hướng di chuyển của bão, cẩn thận đánh dấu lên bản đồ và ra lênh cho toàn đội không được chạy vào bờ, mà chạy thẳng ra đường hải phận nên cả đội đều an toàn. Nhờ vậy mà sau bão, đội tàu của ông đã cứu vớt được rất nhiều thủy thủ đang trôi dạt trên biển.

Đưa mắt ngắm nhìn những con tàu to đang vận chuyển cá lên ở cầu cảng Kinh Ba, ông Năm Kiểng gật gù tỏ vẻ hài lòng: “Sau bão Linda, ngư dân mới thức tỉnh và đầu tư mạnh hơn để đóng mới những con tàu lớn hơn, hiện đại hơn. Ngoài các nghề cào đôi, lưới vây, lưới đèn, nhiều ngư dân còn chuyển sang nghề câu mực xuất khẩu. Từ đây, công cuộc chinh phục biển khơi của ngư dân cũng ngày một hiệu quả và an toàn hơn”.

Hệ thống dịch vụ hậu cần phục vụ đến tận nơi, đảm bảo cho các con tàu ra khơi dài ngày

Hệ thống dịch vụ hậu cần phục vụ đến tận nơi, đảm bảo cho các con tàu ra khơi dài ngày

Phát triển nghề khai thác

Hôm chúng tôi đến, cảng cá Trần Đề vẫn tấp nập những con tàu vào, ra. Trong tiếng máy xay nước đá rền vang, chị Trần Thị Thu, Chủ đội tàu khai thác lưới đèn nói át cả tiếng máy: “Đầu năm đến giờ, tàu khai thác lưới đèn hầu hết đều trúng đậm, giá cũng khá tốt, nên hiệu quả cao. Bây giờ mà đi đánh bắt bằng tàu nhỏ, đơn lẻ là không có ăn đâu, tàu phải lớn, liên kết thành từng đội để hỗ trợ nhau thì hiệu quả mới cao”.

Cũng như chị Thu, gia đình ông Nguyễn Văn Dũng, với 4 tàu khai thác xa bờ công suất 380 CV/tàu, mỗi năm đánh bắt 400 – 500 tấn sản phẩm thu lãi hàng tỷ đồng. Ông Dũng cho biết: “Trước đây, dù có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới việc sở hữu con tàu 380 CV, nhưng nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước từ chương trình hỗ trợ đánh bắt xa bờ nên những ngư dân như tôi mới có điều kiện mua sắm tàu công suất lớn”.

Đầu năm, ngư dân đã trúng đậm vụ cá cơm, góp phần đưa sản lượng khai thác 9 tháng đầu năm gần 51.000 tấn

Đầu năm, ngư dân đã trúng đậm vụ cá cơm, góp phần đưa sản lượng khai thác 9 tháng đầu năm gần 51.000 tấn

Với chiều dài 72 km bờ biển cùng một ngư trường khai thác rộng lớn, từ lâu, Sóc Trăng đã phát triển nghề khai thác biển. Toàn tỉnh hiện có 1.196 chiếc, với tổng công suất 154.518 CV; trong đó, tàu cá khai thác xa bờ 339 chiếc, tổng công suất 133.850 CV. Tổng sản lượng khai thác trong 9 tháng đầu năm gần 51.000 tấn. Ðể tăng hiệu quả cho nghề khai thác biển, ngoài việc trợ giúp vốn vay mua sắm phương tiện hiện đại, tỉnh còn được Trung ương đầu tư xây dựng khu neo đậu tàu, thuyền trú bão và Cảng cá Trần Ðề giai đoạn 2. Hàng chục tổ, đội khai thác an toàn và nghiệp đoàn khai thác thủy sản cũng được thành lập để hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Con đường vươn ra biển lớn để làm giàu từ biển của ngư dân Sóc Trăng không chỉ được hiện thực hóa bằng nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế biển của Tỉnh ủy mà còn ở những tư duy dám nghĩ, dám làm của ngư dân, với quyết tâm vươn khơi xa chinh phục biển cả, góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

An Xuyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!