(TSVN) – “Diện tích và sản lượng đạt và vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra nhưng lợi nhuận không cao”, đó là nhận định chung về kết quả sản xuất thuỷ sản năm 2022 của tỉnh Sóc Trăng.
Chiều ngày 21/12/2022, tại Trung tâm văn hoá hội nghị tỉnh Sóc Trăng, Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất thuỷ sản năm 2022 và triển khai kế hoạch, giải pháp năm 2023.
Trong năm 2022, toàn tỉnh Sóc Trăng thả nuôi được 79.122 ha thuỷ sản, vượt 5,5% kế hoạch, tăng 3,39% so với năm 2021; tổng sản lượng thuỷ sản đạt 337.865 tấn, vượt 7,35% kế hoạch, tăng 11,4% so với năm 2021. Trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ 54.600 ha, với tổng sản lượng 227.738 tấn, tỷ lệ thiệt hại tôm nuôi 5,3%, giảm 0,9% so với năm 2021; diện tích nuôi thuỷ sản nước ngọt là 22.386 ha, với sản lượng 82.518 tấn; diện tích nuôi thuỷ sản khác 2.136 ha, với tổng sản lượng 1.427 tấn.
Năm 2023, tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu sản lượng tôm nước lợ đạt 205.335 tấn. Ảnh: TTXVN
Đồng chí Quách Thị Thanh Bình – Chi cục trưởng chi cục Thuỷ sản đã triển khai kế hoạch, giải pháp nuôi thuỷ sản năm 2023 với một số chỉ tiêu như sau: Tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản là 75.000 ha; trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ là 51.000 ha, thuỷ sản nước ngọt là 21.600 ha và thuỷ sản khác là 2.400 ha; tổng sản lượng thuỷ sản nuôi trồng là 300.000 tấn, trong đó sản lượng tôm nước lợ 205.335 tấn, sản lượng thuỷ sản nước ngọt 92.665 tấn và sản lượng thuỷ sản khác là 2.000 tấn.
Để đạt được các mục tiêu trên, ngành đề ra các giải pháp như: Tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Thuỷ sản năm 2017, nhất là đẩy nhanh tiến độ cấp giấy đăng ký đối tượng nuôi chủ lực/lồng bè theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP; hoàn thiện Đề án “Phát triển tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” để sớm được thông qua và triển khai thực hiện; phát huy vai trò của các tổ, nhóm sản xuất; phối hợp với các địa phương thực hiện tốt quy chế quản lý giống; tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới, công nghệ thông tin vào sản xuất; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra con giống, vật tư phục vụ nuôi trồng thuỷ sản và kiểm soát chặt chẽ môi trường vùng nuôi; thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh và kịp thời đưa ra khuyến cáo giúp người dân chủ động trong sản xuất; tiếp tục duy trì công tác tái tạo và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.
Năm 2022, kết quả nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh đã đạt và vượt các chỉ tiêu về diện tích thả nuôi, sản lượng nhưng lợi nhuận không cao do giá vật tư đầu vào (con giống, thức ăn, thuốc thú y thuỷ sản) tăng, trong khi giá tôm nguyên liệu mặc dù có tăng so với năm 2021 nhưng không tăng nhiều so với những năm trước đây.
Đại diện Ngân hàng HD Bank cũng đã có tham luận về hiệu quả mô hình cho các hộ nuôi tôm vay chuyển đổi mô hình hiệu quả, an toàn, giảm thiểu rủi ro; theo đó, ngân hàng phối hợp với các đại lý cung ứng vật tư thuỷ sản ở địa phương để cho người dân vay để nâng cấp ao nuôi, trang bị các vật tư, phương tiện để chuyển đổi, cải tiến hình thức nuôi an toàn, giảm thiểu rủi ro.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Vương Quốc Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã biểu dương ngành nông nghiệp của tỉnh và các địa phương, các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân, các doanh nghiệp nuôi trồng thuỷ sản đã có nhiều cố gắng vượt qua khó khăn đạt được thành tích năm 2022. Trong năm 2022, mặc dù còn nhiều khó khăn, rủi ro về thời tiết, môi trường, dịch bệnh và đặc biệt là giá vật tư đầu vào tăng cao; xong, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, ngành thuỷ sản của tỉnh Sóc Trăng đã đạt được kết quả rất khả quan, thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu về diện tích và sản lượng.
Để đạt được các mục tiêu năm 2023, ông cho biết tỉnh cần tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như: Tăng cường công tác khuyến ngư, đồng thời chủ động phòng, chống dịch bệnh thuỷ sản; tăng cường công tác kiểm tra con giống và vật tư phục vụ nuôi trồng thuỷ sản; quản lý tốt môi trường vùng nuôi (chất thải, nước thải), có giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường; phát triển và nhân rộng các mô hình nuôi thuỷ sản có hiệu quả; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng nuôi; phát triển và mở rộng quy mô các hợp tác xã, tổ hợp tác để có sản lượng lớn, tạo điều kiện cho việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; cần có sự phối hợp, lên kết, gắn bó giữa người nuôi và doanh nghiệp thu mua; các tổ chức tín dụng, ngân hàng cần đồng hành với người nuôi; bên cạnh phát triển nuôi tôm nước lợ, cần quan tâm phát triển các đối tượng thuỷ sản tiềm năng khác nhằm đa dạng hoá đố tượng nuôi, tăng thêm thu nhập; thực hiện tốt công tác quan trắc môi trường và chia sẽ dữ liệu; chú trọng sản xuất an toàn, sản xuất sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm; cần có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương trong chỉ đạo tổ chức sản xuất, quản lý môi trường vùng nuôi…
Trong những năm gần đây, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, gây thiệt hại lớn về người, cây trồng, vật nuôi và tài sản của nhà nước và nhân dân. Việc xây dựng bản đồ phòng, chống thiên tai sẽ hỗ trợ cung cấp thông tin dữ liệu về thiên tai, các công trình phòng, chống thiên tai, khu vực nguy cơ cao, khu vực an toàn tránh trú,… để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và lên các phương án ứng phó khi thiên tai xảy ra từ đó chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tăng Thanh Chí