Một tháng sau khi có công bố nguyên nhân chính thức cá chết tại 4 tỉnh miền Trung; nhưng đến nay ngư dân các địa phương trên vẫn “vật vờ” mưu sinh.
Hỗ trợ như “giọt nước giữa đại dương”
Từ khi xảy ra “thảm họa biển” với ngư dân 4 tỉnh miền Trung, hàng triệu triệu đồng bào trong và ngoài nước đều hướng về nơi đây với những hoạt động hỗ trợ thiết thực. Chính quyền địa phương ráo riết lên phương án hỗ trợ cho phù hợp. Tại Quảng Bình, UBND tỉnh vừa chi 9,7 tỷ đồng hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất do bị ảnh hưởng của sự cố môi trường biển. Số tiền này phân bổ cho các địa phương bị thiệt hại do vụ cá chết, trong đó, huyện Bố Trạch 3,7 tỷ đồng, Ba Đồn 3 tỷ đồng, Lệ Thủy 1 tỷ đồng, Quảng Ninh 721 triệu đồng, Đồng Hới 572 triệu đồng và Quảng Trạch 571 triệu đồng.
Trong khi, tại Thừa Thiên – Huế mới đây đã có thông báo về việc đề nghị hỗ trợ 2.000 tấn gạo cho người dân vùng ven biển bị ảnh hưởng cá chết. Thời gian qua, hoạt động đánh bắt cá vùng ven bờ của ngư dân ngưng trệ hoàn toàn, tàu thuyền nằm bờ, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của người dân dọc ven biển gặp nhiều khó khăn, do tâm lý người tiêu dùng hoang mang, không dám sử dụng sản phẩm thủy, hải sản và các dịch vụ liên quan.
Tại Quảng Trị, đầu tháng 7, tỉnh đã đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hỗ trợ chương trình dạy nghề để có thể áp dụng ngay với ngư dân, đồng thời tăng thêm chỉ tiêu xuất khẩu lao động cho địa phương. Qua thống kê, tỉnh đã đưa ra nhiều chính sách như hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng mua thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ 100% lãi suất cho hộ nghèo và hộ cận nghèo vay vốn chuyển đổi ngành nghề. Ngư dân đóng mới tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần được hỗ trợ 200 – 400 triệu đồng/tàu.
Điều mong mỏi nhất của ngư dân vẫn là được “trở về với biển” – Ảnh: Lê Hiếu
Nhiều ngư dân tâm sự, từ khi xảy ra vụ việc ô nhiễm môi trường biển đến nay, tàu thuyền ra khơi “nhỏ giọt”, thu nhập của người lao động bấp bênh, giảm 60 – 80%, trong khi chờ được cơ quan chức năng giải quyết chuyển đổi nghề, ngư dân phải chạy ăn từng bữa, đối diện với thất nghiệp. Cuộc sống của ngư dân vốn đã khó nay lại càng khó hơn.
Đào tạo và chuyển đổi nghề cho ngư dân
Trước khi xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt tại miền Trung, ngư dân khai thác trên biển nói chung luôn mong muốn được tham gia những lớp học nhằm nâng cao trình độ, kỹ thuật khai thác, tay nghề… mục đích giúp tăng hiệu quả, giá trị sản phẩm, tạo thu nhập. Điều này càng cần thiết và quan trọng hơn trong thời điểm hiện nay. Bởi theo tính toán, trong khi chờ biển an toàn trở lại, ngư dân có thể tham gia vào các hoạt động chuyển đổi, luân chuyển sang những công việc khác có liên quan đến biển như hoạt động chế biến, gia công xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng, tham gia khai thác xa bờ…
Ông Nguyễn Lương Hiền, Chủ tịch Hội Nghề cá Thừa Thiên – Huế cho rằng, cùng với chuyển đổi hoạt động nghề cho ngư dân sang các mảng trồng trọt, chăn nuôi, du lịch tại các vùng bãi ngang, đầm phá, ngư dân cũng cần được ưu tiên cải hoán tàu thuyền, mua sắm ngư cụ để vươn khơi sản xuất…
Trưởng Ban Phát triển nghề cá bền vững (Hội Nghề cá Việt Nam), ông Nguyễn Tử Cương khẳng định, quan điểm của Hội, để chuyển đổi nghề phù hợp hiện nay, cùng với việc phát triển đóng tàu công suất lớn, có thể đánh bắt ở khơi xa, đi biển dài ngày, hưởng ưu đãi theo Nghị định 67, 89 gắn liền với việc thực hiện đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng và kỹ thuật bảo quản để chống thất thoát sau thu hoạch. Đồng thời, liên kết với các ngành kinh tế khác để giải quyết lao động phải tạm thời bỏ nghề do sự cố môi trường biển. Mọi chủ trương chính sách của Nhà nước cần có sự tham gia ý kiến của nhân dân các địa phương trên.
Mặc dù các biện pháp được đưa ra, nhưng điều người dân mong muốn nhất hiện nay vẫn là biển sẽ nhanh chóng được làm sạch, để ngư dân có thể tiếp tục ra khơi, sống cuộc sống “cha truyền con nối” gắn với biển như “cây với đất”.
>> Ông Phạm Văn Lợi, xã Lộc Bình (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế): Ngư dân và người nuôi đều hoang mang, chưa biết sẽ làm gì, trước mắt do vào mùa mưa, nên người dân sửa lại thuyền để hoạt động nghề lừ. Chúng tôi mong muốn các nhà máy, công ty có trách nhiệm hơn khi hoạt động và xả thải ra môi trường, cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý dứt điểm tình trạng này. |