(TSVN) – Trong báo cáo tình hình sản xuất, thị trường 7 tháng, Bộ NN&PTNT đã tổng hợp một số kiến nghị của các doanh nghiệp trong tình hình dịch COVID-19 đang tác động nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thời gian qua.
Các giải pháp ổn định sản xuất: Thúc đẩy mạnh mẽ mô hình ”3 tại chỗ” và ưu tiên hỗ trợ cho doanh nghiệp chủ động các phương án đảm bảo duy trì sản xuất an toàn cho đến khi có vaccine để tiêm cho doanh nghiệp. Đối với kế hoạch sản xuất các tháng cuối năm, Bộ NN&PTNT chủ động họp bàn từng nhóm doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để đánh giá cụ thể nguy cơ ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất, kinh doanh để đảm bảo không ảnh hưởng tới thời vụ sản xuất, đặc biệt là nguồn nguyên liệu cho sản xuất, chế biến và xuất khẩu trong thời gian tới.
Về ưu tiên tiêm vaccine: Cho đội ngũ lao động trực tiếp, đặc biệt là đội ngũ giao hàng, bán lẻ – người mà có nguy cơ lây nhiễm cao nhất.
Về xét nghiệm: Cho phép kéo dài thời hạn giá trị của kết quả xét nghiệm âm tính đối với COVID-19; áp dụng test nhanh, test gộp (không áp dụng phương pháp RT-PCR) để tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển, lưu thông hàng hóa.
Về vận tải, lưu thông: Thống nhất lưu thông “luồng xanh” giữa các địa phương; đẩy nhanh và mở rộng năng lực cấp phép luồng xanh; bổ sung sản phẩm, vật tư đầu vào nông nghiệp vào danh mục “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu” để tạo điều kiện ổn định lưu thông hàng hóa; mở lại cung cấp dịch vụ vận chuyển với các đối tác vận chuyển như (Grab, Beamin, Ahamove….).
Về quản lý thị trường: Kiểm soát chặt và gia tăng hình phạt cho những đối tượng trục lợi trong thương mại nông sản.
Cắt giảm các thủ tục hành chính: Đề xuất miễn 100% lệ phí Cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giảm 50% phí thẩm định điều kiện đảm bảo ATTP cho doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Đề nghị miễn 100% lệ phí cấp chứng thư xuất khẩu, giảm 50 % chi phí kiểm tra lô hàng xuất khẩu liên quan đến việc cấp Chứng thư xuất khẩu hàng hóa nông lâm thủy sản cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Giải quyết kịp thời các thủ tục cần thiết để giúp doanh nghiệp trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh (đặc biệt hoạt động xuất nhập khẩu). Đẩy nhanh Chính phủ điện tử cho hầu hết mọi hoạt động.
Thực hiện các chính sách hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp: Giảm 30% tổng tiền điện tiêu thụ cho các doanh nghiệp chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi, thú y, chế biến nông, lâm, thủy sản tính từ tháng 5/2021 đến khi cả nước kiểm soát được dịch COVID-19. Tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, khoanh nợ, cơ cấu lại nợ, tái cấp vốn, hạ lãi suất cho vay; đẩy nhanh quá trình và thời gian xem xét các đơn xin vay và giải ngân các khoản vay; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2021 và 2022; hoãn nộp bảo hiểm xã hội năm 2021; giảm thuế bảo vệ môi trường. Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất; giảm tiền thuê đất của năm 2021 – 2022 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Hỗ trợ hoặc tạo điều kiện ưu tiên tiêm phòng vaccine cho cho lực lượng tham gia thu mua, vận chuyển và chế biến nông sản tại doanh nghiệp, nhà máy chế biến giết mổ, sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, trang trại và nông dân trực tiếp lao động sản xuất.