Vừa cho đàn cá ăn, anh Khặn vừa nói: Lúc đầu tôi nuôi các loại cá chép, trắm, trôi, mè… chúng lớn nhanh nhưng lợi nhuận không cao và tiêu thụ chậm. Tìm hiểu môi trường nước có khả năng nuôi được cá lăng, nên tôi đầu tư làm thêm lồng để nuôi loại cá […]
Vừa cho đàn cá ăn, anh Khặn vừa nói: Lúc đầu tôi nuôi các loại cá chép, trắm, trôi, mè… chúng lớn nhanh nhưng lợi nhuận không cao và tiêu thụ chậm. Tìm hiểu môi trường nước có khả năng nuôi được cá lăng, nên tôi đầu tư làm thêm lồng để nuôi loại cá này.
Cán bộ Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai tham quan mô hình nuôi cá lăng của gia đình anh Khặn, bản Co Trặm, xã Chiềng Bằng.
Được biết, năm 2014, gia đình anh đầu tư 24 triệu đồng làm 2 lồng có thể tích gần 200 m3/lồng, mua 1.200 con cá lăng giống tại Trung tâm Giống nuôi trồng thủy sản về thả (tổng vốn đầu tư gần 45 triệu đồng). Trong quá trình nuôi, anh được Trung tâm Khuyến nông huyện tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cá. Lần đầu tiên nuôi cá lăng, nên anh theo dõi cẩn thận từ thức ăn tới môi trường nước để đảm bảo cho cá sinh trưởng phát triển tốt, thường xuyên vệ sinh lồng nuôi. Trong 2 tháng đầu, anh cho cá ăn các thức ăn tinh (cá, tôm băm nhỏ), khi cá có trọng lượng 0,5 kg trở lên, thích nghi tốt với môi trường, thì thức ăn chủ yếu là các loại khoai, sắn thái nhỏ. Mặc dù cá lăng không lớn nhanh như những loại cá khác, nhưng sau một năm vẫn cho thu hoạch bình quân 1,5 kg/con. Với giá bán trên thị trường hiện nay, khoảng 160.000 đồng/kg, thì sau khi trừ mọi chi phí anh còn thu lãi trên 70 triệu đồng/lồng. Như vậy, cùng thời gian nuôi với những loại cá khác, cá lăng dù phát triển chậm hơn, nhưng ít nhiễm bệnh, lại được thị trường ưa chuộng nên mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn loại cá khác.
Ông Tòng Văn Yêu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Bằng khẳng định: Cá lăng vốn là cá bản địa, sống tự nhiên ở sông hồ nước ngọt. Nuôi cá lăng trong lồng là mô hình mới. Từ hiệu quả mà gia đình anh Khặn đã đạt được, thời gian tới, chúng tôi sẽ có định hướng, tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, tổ chức cho bà con đến tham quan mô hình để nhân rộng. Đây là một hướng đi mới, hứa hẹn một nghề mới cho thu nhập cao cho bà con tái định cư trên vùng hồ sông Đà thủy điện Sơn La.
Hiện nay, các khu tái định cư, do quỹ đất dành cho sản xuất còn ít, nên nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà đang là hướng đi nhiều tiềm năng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân ven sông Đà. Tuy nhiên, mô hình trên mới chỉ là đơn lẻ, thí điểm, địa phương cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ về giống, vốn, tập huấn kỹ thuật… để người dân mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích nuôi trồng theo hướng hàng hóa.