Tiềm năng về phát triển thuỷ sản ở Sơn La được đánh giá có nhiều lợi thế. Ngoài diện tích mặt nước rộng lớn của lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình, thuỷ điện Sơn La, trên địa bàn tỉnh có trên 500 ha mặt nước hồ chứa vừa và nhỏ, 2.440 ha ao và gần 5.000 ha ruộng lúa có thể kết hợp nuôi cá.
Tuy nhiên, do thói quen nuôi cá quảng canh, chưa chú trọng sản xuất hàng hoá; thiếu các biện pháp kỹ thuật nên chưa khai thác được tiềm năng thế mạnh; mặt khác người nông dân chưa có điều kiện tiếp cận với quy trình kỹ thuật, kiến thức cần thiết về kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản nên sản xuất chưa ổn định, hiệu quả kinh tế thấp.
Mô hình nuôi cá tầm của HTX Hạnh Lợi trên hồ thủy điện Sơn La tại Quỳnh Nhai. Ảnh: Ngọc Thuấn
Phát triển nuôi trồng thuỷ sản bền vững là một trong những nội dung của Chương trình hỗ trợ ngành thuỷ sản giai đoạn II thực hiện tại tỉnh Sơn La từ năm 2006 đến nay, mục tiêu hướng về người nông dân nghèo. Trọng tâm là tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ; tập huấn quy trình kỹ thuật tại hiện trường, gắn với triển khai mô hình trình diễn kỹ thuật cho nông dân nghèo; tổ chức hoạt động nghiên cứu và tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình hiệu quả. Nổi bật là xây dựng hệ thống cộng đồng tham gia toàn diện gắn với khuyến ngư, chú trọng đến đối tượng người nghèo và phụ nữ. Từ năm 2006 đến cuối 2012, chương trình đã triển khai tổ chức đào tạo, tập huấn cho gần 7 nông dân, chủ yếu là hộ nghèo và phụ nữ. Nội dung tập huấn tại hiện trường cho nông dân gắn với triển khai mô hình trình diễn về kỹ thuật nuôi cá ruộng, cá ao, cá lồng, nuôi tôm càng xanh, ương nuôi cá giống. Chương trình tập huấn giúp nông dân có thể tự tổ chức và áp dụng qui trình kỹ thuật vào thực tế để phát triển nuôi trồng thuỷ sản, nâng cao sản lượng, giá trị sản phẩm thuỷ sản, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo. Gắn với lý thuyết là các mô hình trình diễn tại cộng đồng do hộ nông dân nghèo thực hiện… Việc kết hợp giữa lý thuyết với rèn luyện kỹ năng thao tác cho nông dân, vừa phù hợp, dễ hiểu nên các mô hình được triển khai được nhiều người dân quan tâm, học tập kinh nghiệm, nhiều mô hình đã và đang được nhân rộng, như: mô hình nuôi tôm càng xanh, nuôi nuôi cá ruộng. Song song với việc triển khai tập huấn tại hiện trường, chương trình dự án đã triển khai tổ chức xây dựng được 829 mô hình trình diễn, trong đó 270 mô hình trình diễn nuôi cá ao; 192 mô hình trình diễn ương nuôi cá giống từ bột lên hương; 246 mô hình trình diễn nuôi cá ruộng; 86 mô hình nuôi tôm càng xanh; 35 mô hình nuôi cá lồng. Các mô hình thử nghiệm hướng đến hệ thống nuôi trồng thuỷ sản đa dạng, hiệu quả, bền vững và mang tính xã hội hoá cao được triển khai, như mô hình thử nghiệm nuôi cá Lăng tại huyện Sông Mã, nuôi cá lồng tại Quy hướng, (Mộc Châu).
Bên cạnh đó, nhiều nội dung cũng được triển khai như: hoạt động rà soát, bổ sung quy hoạch ngành thuỷ sản tỉnh Sơn La đến 2015 và tầm nhìn 2020; triển khai khảo sát đánh giá hiện trạng về nhu cầu cá giống và năng lực sản xuất giống của tổ chức, cá nhân trên địa bàn, xác định hiện trạng hệ thống nuôi trồng thuỷ sản ở tỉnh và hỗ trợ thay thế đàn cá bố mẹ chất lượng cao cho các trại sản xuất giống trong tỉnh. Tổ chức tập huấn, đào tạo cán bộ cho 55 cán bộ kỹ thuật về nâng cao năng lực quản lý chất lượng giống cho các chủ cơ sở sản xuất giống tại các trại sản xuất giống trong tỉnh; đào tạo, tập huấn 69 cán bộ cấp tỉnh, huyện về kiểm dịch viên về giống thuỷ sản, kỹ thuật viên cho phòng thí nghiệm, đào tạo cán bộ thú y, khuyến ngư về quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch vụ…
Phát triển nuôi trồng thuỷ sản bền vững do Chương trình hỗ trợ ngành thuỷ sản giai đoạn II triển khai tại Sơn La đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực. Hàng nghìn hộ nông dân nghèo, phụ nữ đã được tiếp cận kiến thức, kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản. Các mô hình khuyến ngư đã và đang ngày càng được nhân rộng tại các địa phương trong tỉnh, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.