Nuôi cá lóc đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhưng nuôi tự phát thì môi trường không khỏi bị ô nhiễm, và hậu quả không chỉ người nuôi phải chịu.
Huyện Trà Cú (Trà Vinh) hiện có 752 lượt hộ nuôi cá lóc trên diện tích 92,147 ha, với 33 triệu con giống; mật độ thả nuôi 30 – 50 con/m2, bình quân 2 – 3 vụ/năm.
Kỹ sư Lưu Văn Bằng – cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Trà Cú cho biết: Việc phát triển tự phát nghề nuôi cá lóc không nằm trong quy hoạch đã dẫn đến rất khó trong quản lý cũng như việc đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản. Các kênh thủy lợi tại các xã nuôi cá phần lớn chưa được nạo vét; sau mỗi vụ cá, chất thải từ ao nuôi xả trực tiếp xuống kênh rạch, làm gia tăng việc bồi lắng các kênh. Mùa khô, các kênh trong vùng nuôi cá lóc thường thiếu nước, gây khó cho sản xuất nông nghiệp.
Đến Trà Cú, chúng tôi thấy: Nhiều tuyến kênh trong vùng nuôi cá đã bị ô nhiễm. Mùa khô thiếu nước, các hộ nuôi cá đóng các cây giếng khoan ngay bên ao nuôi cá để bổ sung nước ngầm, nên rất dễ dẫn đến ô nhiễm tầng nước ngầm và sự xâm thực của nước mặn… Tại xã Định An, nơi phong trào nuôi cá lóc phát triển mạnh nhất huyện Trà Cú, hiện có 260 lượt hộ thả nuôi trên diện tích 35 ha, thời gian từ lúc thả giống đến thu hoạch khoảng 5 tháng; chu kỳ thả nuôi 2 – 3 vụ/năm. Tuy nhiên, toàn bộ diện tích nuôi cá ở đây chỉ trông vào 2 tuyến kênh cấp II là Rạch Cá (ấp Giồng Giữa) và kênh Cá Lóc (ấp Bến Tranh), với con kênh có chiều rộng khoảng 8 mét, nên trong quá trình nuôi, người dân thường vét bùn, cặn bã thải trực tiếp từ ao nuôi ra ngoài kênh làm bồi lắng kênh nên trong quá trình cấp – thoát nước không chủ động được, gây ô nhiễm cả ao nuôi và kênh dẫn nước bên ngoài.
Kênh dẫn nước cạn kiệt được người dân cấp vào ao nuôi cá
Ông Tăng Văn Hiếu – Chủ tịch UBND xã Định An cho biết: Mùa khô, mực nước kênh rất thấp, ao nuôi thường thiếu nước; tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại các con kênh này rất lớn. Cùng đó, vào thời điểm độ mặn tăng cao (trên 5 phần nghìn), người nuôi phải sử dụng thêm nguồn nước ngầm bơm từ các cây giếng khoan vào ao nuôi. Hiện nay, tại 100% các ao nuôi cá lóc ở đây đều có cây giếng khoan và thường xuyên được sử dụng nguồn nước để nuôi cá trong những tháng mùa khô.
Ông Hiếu còn lo ngại, việc sử dụng các giếng khoan trong nuôi thủy sản hiện nay rất nhiều; giếng khoan cạnh ao nuôi không được bảo vệ an toàn; nguồn nước từ kênh cấp vào ao nuôi cá đều bị ô nhiễm, trong khi hệ thống ống dẫn nước từ các cây giếng người sử dụng chung với ống máy bơm. Với việc lắp đặt như hiện nay, quá trình sử dụng rất dễ làm cho nguồn nước xung quanh thấm vào ống và lưu dẫn vào mạch nước ngầm. Bên cạnh việc đưa nguồn nước ô nhiễm vào, còn làm cho nguồn nước mặn xâm nhập vào tại các cây giếng khoan sẽ gây ô nhiễm nặng.