Nghệ An tỉnh có nghề khai thác thủy hải sản khá phát triển, song từ xưa đến nay ngư dân chủ yếu sử dụng hầm bảo quản sản phẩm trên tàu theo truyền thống, chất lượng bảo quản thấp, chi phí sử dụng đá lạnh cao. Do vậy, chuyển đổi công nghệ hầm bảo quản khi đánh bắt xa bờ là cần thiết.
Nhằm giảm tổn thất sau đánh bắt trên các tàu xa bờ và nâng cao lợi nhuận cho ngư dân, việc đưa công nghệ vào quá trình đánh bắt, bảo quản chế biến có ý nghĩa rất quan trọng. Vài năm gần đây, một số ngư dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư hầm chứa cá cách nhiệt dùng vật liệu xốp PU (Polyurethane), bởi khả năng bảo quản và chất lượng cá được bảo quản tốt hơn, nhờ vậy hiệu quả kinh tế cũng cao hơn. Anh Phan Văn Hải ở xóm Hợp Tiến, xã Quỳnh Lập (TX.Hoàng Mai) là một trong những ngư dân tiên phong áp dụng dùng vật liệu PU cho hầm bảo quản cá trên tàu xa bờ của mình.
Tàu cá NA 90505 có công suất 640CV, được anh Hải đầu tư đóng mới hoàn chỉnh vào tháng 4/2013, trị giá hơn 3 tỷ đồng. Tàu của anh được Khuyến nông quốc gia hỗ trợ đầu tư 1 hầm bảo quản cá bọc Inoc, phun PU bao bọc, với tổng giá trị khoảng 70 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả từ hầm bảo quản theo công nghệ mới này, anh Hải quyết định đầu tư gần 200 triệu đồng để làm cả 5 hầm bảo quản cá bằng vật liệu PU. Anh Hải cho biết: Trước đây đi tàu nhỏ hơn, công suất 105CV, hầm bảo quản cá trên tàu được làm thủ công bằng các tấm xốp ghép với nhau.
Mỗi chuyến ra khơi mang theo 15 tấn đá xay, nhưng với cách bảo quản thủ công này chỉ bảo quản được trong thời gian 1 tuần, do lượng đá tan nhanh, nếu đi dài ngày hơn thì cá kém chất lượng, khi cập bến chỉ bán cá mắm và chế biến thức ăn phục vụ chăn nuôi công nghiệp. Hơn 6 tháng nay, đưa tàu mới công suất lớn vào khai thác, nhờ tàu to đánh bắt được nhiều, bảo quản tốt, chuyến nào cá cũng đảm bảo tươi ngon, nhiều khi được thương lái thu mua giá cao ngay trên biển, anh em trên tàu ai cũng phấn khởi. Trước dùng hầm bảo quản thủ công, chất lượng bảo quản không đồng đều, mỗi chuyến biển về đều phải phân loại cá xấu, đẹp, bán với giá khác nhau. Nay có hầm bảo quản theo công nghệ mới, các loại cá được bảo quản tốt như nhau, bán được giá hơn, lợi nhuận cao hơn trước 20 – 30%.
Anh Phan Văn Hải (xã Quỳnh Lập – TX. Hoàng Mai) giới thiệu hầm bảo quản bằng vật liệu PU trên tàu cá.
Nhận thấy hiệu quả khai thác cao hơn hẳn từ việc đầu tư hầm bảo quản bằng vật liệu PU của tàu anh Hải, hiện đã có 3 chủ tàu khác trong xã cũng làm theo như tàu của anh Nguyễn Quốc Hà, Hoàng Văn Sỹ và tàu của anh Kỷ đang chuẩn bị đầu tư. Mỗi chủ tàu đều đầu tư hơn 200 triệu đồng để làm hầm bảo quản theo công nghệ mới này. Anh Nguyễn Quốc Hà (xóm Đồng Tiến, xã Quỳnh Lập) chia sẻ: “Tôi vừa đóng mới tàu có công suất 560CV, khoảng 4,6 tỷ đồng. Thấy anh Hải làm hầm PU, tôi cũng mạnh dạn làm đồng bộ cả 6 hầm trên tàu, sức chứa khoảng 50 tấn cá. Ngày trước sử dụng tàu công suất 250CV, mỗi chuyến đi biển phải mua 500 cây đá lạnh để bảo quản cá, riêng tiền mua đá đã hết 6,5 – 7,5 triệu đồng. Mỗi chuyến vươn khơi khai thác được nhiều hay ít cá cũng chỉ bảo quản trong 1 tuần là phải về để bán sản phẩm, bởi kéo dài ngày hơn cá không đảm bảo, phải bán giá rẻ. Nay có tàu mới, hầm bảo quản công nghệ mới, giúp chúng tôi vươn khơi được dài ngày”.
Tàu cá của anh Ngô Trí Nguyên ở xóm Ngọc Văn, xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) cũng được khuyến nông quốc gia hỗ trợ đóng 1 hầm bảo quản bằng vật liệu PU, bọc Inoc, trị giá khoảng 100 triệu đồng. PU được bơm bao bọc xung quanh thành hầm, đông cứng lại, tùy theo điều kiện kinh tế, các chủ tàu có thể bọc Inoc hoặc nguyên liệu khác phù hợp để tạo thành những khoang hầm sạch, đẹp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhận thấy ưu điểm giữ nhiệt tốt của hầm PU, ông Ngô Trí Đông (bố anh Nguyên) đã quyết định đầu tư khoảng 350 triệu đồng để trang bị 8 hầm lạnh cho cả 2 chiếc tàu vừa được đóng mới, mỗi chiếc có công suất 540CV.
Ông Đông so sánh: Trước đây, sử dụng hầm bảo quản thủ công, mỗi chuyến ra khơi thường mua 500 cây đá, hết 7,5 triệu đồng, chỉ ướp được 10 tấn cá. Nay chuyển đổi sang hầm PU, cũng 500 cây đá lạnh nhưng ướp được 20 tấn cá, giảm được ½ chi phí tiền đá, đồng thời nâng được sản lượng khai thác, bảo quản, lợi nhuận đem lại cao hơn rõ rệt. Tuổi thọ của 1 hầm bảo quản bằng chất liệu PU có thể kéo dài hàng chục năm, trong khi những hầm bảo quản bình thường bằng xốp phải làm lại sau vài năm khai thác.
Quỳnh Lưu là địa phương có số lượng tàu khai thác xa bờ nhiều nhất tỉnh với 590 chiếc, song ngư dân chủ yếu sử dụng đá xay để bảo quản cá trong các hầm truyền thống trên tàu, chất lượng bảo quản chưa cao. Lãnh đạo phòng nông nghiệp huyện nhận định: Là huyện có nghề khai thác thủy hải sản phát triển mạnh trong tỉnh, Quỳnh Lưu khuyến khích ngư dân đầu tư, cải hoán hầm lạnh bằng vật liệu PU nhằm bảo quản cá tốt hơn, giảm chi phí khai thác cho ngư dân. Song việc đầu tư cho công nghệ bảo quản này giá thành cao nên ngư dân gặp khó về vốn, hiện tại trên địa bàn huyện, việc đầu tư hầm bảo quản hải sản bằng vật liệu PU chưa nhiều.
Ông Trần Trung Thành – Trưởng phòng Kỹ thuật khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An cho biết: Hiện tại, các tàu khai thác xa bờ trong tỉnh chủ yếu bảo quản hải sản bằng đá xay theo truyền thống, mỗi chuyến vươn khơi kéo dài từ 1 – 2 tuần, việc chở một lượng đá lớn để bảo quản, cộng thêm sản lượng khai thác được khiến trọng tải tàu rất nặng. Trong khi bảo quản bằng hầm truyền thống (xốp mút ghép) giữ nhiệt kém, đá tan nhanh, có khi hết đá lạnh tàu phải quay về, rất tốn chi phí xăng dầu, thậm chí bỏ lỡ cơ hội khai thác khi gặp ngư trường nhiều cá. Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ trang bị 2 hầm bảo quản cách nhiệt bằng vật liệu xốp thổi PU cho hai tàu cá ở Nghệ An. Nay người dân đã nhận thấy tính ưu việt của việc sử dụng xốp thổi để làm hầm bảo quản, nhưng do chi phí đầu tư cao nên nhiều chủ tàu chưa đủ khả năng đầu tư.
Thiết nghĩ, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ khuyến khích ngư dân trang bị hầm bảo quản theo công nghệ mới này, nhằm giúp ngư dân yên tâm vươn khơi xa, bám biển dài ngày, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.