(TSVN) – Trung Quốc tiêu thụ bao nhiêu thủy sản là câu hỏi khó trả lời. Ước tính hiện tại về tiêu thụ thủy sản của quốc gia này đang là con số khổng lồ. Sức mua của người Trung Quốc ngày càng tăng, kéo theo nhập khẩu thủy sản liên tục nhảy vọt.
Theo tất cả những thông tin từ trước đến nay, Trung Quốc là quốc gia rất ưa chuộng hải sản. Tổ chức FAO cũng ước tính mức tiêu thụ thủy sản hàng năm của Trung Quốc là 41 kg/người/năm, hoặc gấp đôi mức trung bình thế giới do của FAO ước tính (theo báo cáo Thực trạng khai thác và NTTS thế giới của FAO vào năm 2018).
Wang Songlin, Chủ tịch Hiệp hội bảo tồn biển Thanh Đảo vừa đưa ra mức tiêu thụ hải sản của Trung Quốc gấp 1,5 lần mức trung bình của thế giới, tức là 30 kg/người dựa theo ước tính của FAO. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc (MOA) ước tính mức tiêu thụ bình quân đầu người là 14,3 kg và 5,3 kg ở các khu vực thành thị và nông thôn tính đến năm 2015. Số MOA được đánh giá là hợp lý hơn. Nhưng trong báo cáo Triển vọng Nông nghiệp 2018 – 2027, MOA lại dự báo mức tiêu thụ thủy sản bình quân của Trung Quốc sẽ tăng lên 25 kg/người vào năm 2027 – mức cao chưa từng có.
Nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch về số liệu tiêu thụ thủy sản bình quân tại Trung Quốc là do dân số khổng lồ của quốc gia này. Mức tiêu thụ thủy sản bình quân theo đầu người tại Trung Quốc thường được tính bằng cách chia tổng cung thủy sản (nội địa và nhập khẩu trừ đi xuất khẩu) cho 1,4 tỷ dân. Nói một cách đơn giản, số liệu của FAO dựa trên cơ sở Trung Quốc đang sản xuất khoảng 57,4 triệu tấn thủy sản mỗi năm (41 kg x 1,4 tỷ), theo số liệu sản xuất từ MOA.
Mức tiêu thụ thủy sản hàng năm của Trung Quốc là 41 kg/người/năm. Ảnh: Undercurrentnews
Hiện, Trung Quốc đang là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2 thế giới. Theo nhiều chuyên gia, nếu mức tiêu thụ trung bình của Trung Quốc với mặt hàng tôm là 1 kg/năm, thì có nghĩa tổng lượng tiêu thụ tôm của quốc gia này là 1,4 triệu tấn mỗi năm. Đây là con số khổng lồ, chiếm khoảng gần 1/3 sản lượng tôm nuôi của toàn cầu hiện nay, hoặc gấp 3 lần sản lượng tôm ước tính của Trung Quốc và gấp đôi sản lượng của Ecuador – nước sản xuất tôm lớn thứ 2 thế giới. Để đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ tôm cho thị trường Trung Quốc, có lẽ phải cần đến nguồn cung từ hai nước như Ecuador.
Trung Quốc đang triển khai chính sách kiểm soát chặt chẽ dịch COVID-19. Chính vì vậy, nhiều nhà máy bị đóng cửa, sản xuất bị đình trệ, nên thị trường này cũng thiếu hụt nguồn cung thủy sản cho tiêu thụ nội địa và cả chế biến xuất khẩu. Do vậy, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc đang gia tăng. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cần phải nắm chính xác lượng tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc hiện nay là bao nhiêu và con số này sẽ thay đổi ra sao trong vòng 5 đến 10 năm tới.
Muốn vào thị trường thủy sản Trung Quốc, hãy đi qua cửa ngõ thương mại điện tử. Đây là kênh tiêu thụ phổ biến và đang ngày càng thịnh hành tại thị trường này. Tại Trung Quốc, xuất, nhập khẩu qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới trong năm 2020 đạt tổng cộng 1.690 tỷ CNY, tăng 31,1%. Tại EU, năm 2020, doanh số thương mại điện tử xuyên biên giới của 16 nước lớn nhất đã đạt tới 146 tỷ euro, chiếm khoảng 25,5% doanh số thương mại điện tử của cả châu Âu.
Tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc là Alibaba đang tìm cách bổ sung thêm nhiều mặt hàng thủy, hải sản nhập khẩu vào nền tảng trực tuyến, giúp kết nối nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ với người tiêu dùng trung lưu – lực lượng đang ngày càng tăng cao tại Trung Quốc. Tự coi mình la cửa ngõ của Trung Quốc, Alibaba dã bắt đầu tổ chức các hội thảo toàn cầu, để giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tận dụng nền tảng bán hàng thủy sản qua hình thức trực tuyến.
Theo báo cáo của Inside Retail, cách đây vài năm, một tập đoàn thực phẩm và đồ uống của New Zealand đã mở một cửa hàng trực tuyến hàng đầu tại Trung Quốc trên chợ thương mại điện tử Tmall. Cửa hàng này liên doanh giữa nhà bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc là Tmall Fresh và 18 thương hiệu đồ uống, thực phẩm của New Zealand, trong đó có hai hãng thủy sản tên tuổi Sealord Group và Sandord. Không chỉ xuất khẩu chính ngạch, rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã thâm nhập vào thị trường thủy sản Trung Quốc qua các kênh thương mại điện tử như sàn Alibaba là một ví dụ điển hình.
Người tiêu dùng Trung Quốc mua hàng qua sàn thương mại điện tử thường có thu nhập khá, có hiểu biết và tin tưởng vào chất lượng sản phẩm đã được giới thiệu trên sàn. Do đó, đây là một kênh tiêu thụ khá tiềm năng tại thị trường này nếu như doanh nghiệp mở gian hàng nắm chắc các kỹ năng thực hiện đơn hàng, khâu logistics, quản lý chất lượng và đảm bảo vệ sinh ATTP.
Mi Lan
Tổng hợp