Tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – ĐBSCL là vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản của cả nước, đóng góp vai trò quan trọng trong an ninh lương thực quốc gia và phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, đây cũng là vùng chịu nhiều tổn thương nhất trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nhằm giảm thiểu thiệt hại trước những tác động cực đoan của thời tiết, khí hậu, phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh, Chính phủ đã đặt ra cho vùng ĐBSCL nhiều nhiệm vụ mới.

Vị trí quan trọng

Trong Chỉ thị được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký ban hành mới đây đã khẳng định, ĐBSCL giữ vị thế hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và trong giao thương với các nước ASEAN, Tiểu vùng sông Mê Công; là vựa lúa, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước; đóng góp 31,37% GDP toàn ngành nông nghiệp với hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu; đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu.

Tuy nhiên, ĐBSCL phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và đầu tư của nhà nước, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được đầu tư bài bản, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân còn hạn chế so với một số vùng. ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ tác động của biến đổi khí hậu, khai thác sử dụng nước ở thượng nguồn; cơ sở hạ tầng còn bất cập trước yêu cầu sản xuất quy mô lớn, thiếu hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp; biến động thị trường khó lường với xu thế tiêu dùng xanh đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn ngày càng cao.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xây dựng nhiều Đề án nông nghiệp, trong đó bao gồm Đề án liên quan đến cá tra tại vùng ĐBSCL. Ảnh:ST

Mục tiêu thời gian tới là phát triển ĐBSCL nhanh, bền vững; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo đột phá nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, trật tự xã hội. Tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, “chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp”, trên cơ sở phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, kết hợp với thương mại, dịch vụ logistics, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh…

Nhiệm vụ cấp bách

Để khắc phục được những bất cập trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cần đổi mới tư duy, cách tiếp cận phát triển theo hướng “tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, thích ứng chủ động, chuyển đổi linh hoạt, giá trị nâng cao, nguồn lực công – tư, đời sống chất lượng”.

Trong đó, xây dựng Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL nhằm nâng cao giá trị, thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu. Chỉ đạo, triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống; Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL; Chương trình xây dựng thương hiệu, thúc đẩy sản xuất tiêu thụ nông lâm thủy sản theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng các vùng sản xuất tập trung, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, bảo đảm lợi ích hợp lý cho các bên tham gia chuỗi giá trị.

Cùng đó, Bộ Công thương: Chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT và các địa phương xây dựng các ngành hàng chiến lược, gắn với định hướng phát triển các vùng nguyên liệu; phát triển năng lượng phục vụ sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh hệ thống lưu thông, phân phối và dịch vụ thương mại nông sản tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận nông sản. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại hàng nông sản vào các thị trường tiềm năng, nhất là các sản phẩm nông sản chủ lực, thế mạnh của vùng ĐBSCL vào các thị trường trọng điểm xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhằm tạo giá trị gia tăng cao và nhiều cơ hội việc làm tại chỗ cho người dân vùng ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ chủ động phối hợp với Bộ NN&PTNT hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp, tạo giá trị gia tăng cao và nhiều cơ hội việc làm tại chỗ cho người dân vùng ĐBSCL; triển khai Chương trình khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Khắc phục điểm yếu

Hiện nay, hạ tầng giao thông, hệ thống logistics đang là vấn đề nan giải trong phát triển kinh tế vùng ĐBSCL. Đây là điểm yếu được nêu ra từ lâu, nhưng vẫn chưa tìm được lời giải thỏa đáng. Để hóa giải thách thức này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu  Bộ Giao thông vận tải chủ trì chỉ đạo, triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống logistics ở vùng ĐBSCL, bảo đảm kết nối giữa các phương thức vận tải, nâng cao chất lượng vận tải và giảm chi phí logistics; phối hợp với các địa phương huy động nguồn lực để xây dựng khu bến cảng đầu mối, cửa ngõ của vùng ĐBSCL, trong đó nghiên cứu các phương án xây dựng cảng biển nước sâu đã được quy hoạch tại vùng ĐBSCL.

Về vấn đề vốn, Chỉ thị nhấn mạnh việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để có chính sách đủ mạnh, ưu đãi, hỗ trợ tín dụng cho hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh theo chuỗi, phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, sinh thái; tăng quy mô cho vay, giảm thủ tục vay. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn và tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng để các thành phần kinh tế  đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt đối với các dự án đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL phối hợp với Bộ NN&PTNT và cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thực hiện có hiệu quả những mục tiêu và định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL. Xây dựng một số vùng chuyên canh lúa, trái cây, thủy sản (sản xuất theo tiêu chuẩn, được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, số hóa…).

Bảo Hân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!