Quảng Nam đang triển khai quy hoạch, đẩy mạnh tái cơ cấu nhằm tăng số lượng đội tàu đánh bắt xa bờ, nâng cao giá trị sản xuất của nghề khai thác hải sản.
Đội tàu vỏ thép của ngư dân huyện Núi Thành đoàn kết ra khơi. Ảnh: N.Q.V
Phát triển bền vững
Tam Quang là địa phương có nghề cá đặc thù của huyện Núi Thành nói riêng, Quảng Nam nói chung. Cụ thể hóa các chủ trương, chính sách về phát triển khai thác hải sản của tỉnh, huyện, Tam Quang đã ban hành nghị quyết, hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề, chuyển đổi ngư trường sản xuất từ gần bờ sang xa bờ. Nhờ đó, ngư dân đã chủ động đóng mới, nâng cấp tàu cá công suất lớn, đầu tư đồng bộ thiết bị, kỹ thuật, máy móc hiện đại, vươn khơi sản xuất ở các ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa bằng các nghề lưới vây ngày, lưới vây ánh sáng, chụp mực… Hiện tại, trên địa bàn xã có không ít ngư dân sở hữu đội tàu công suất lớn, đặc biệt có trường hợp làm chủ 9 chiếc tàu. Hiện tại toàn xã có 121 tàu cá sản xuất xa bờ, sản lượng khai thác hải sản đạt xấp xỉ 20 nghìn tấn/năm.
Theo UBND xã Tam Quang, chỉ riêng tận dụng cơ chế hỗ trợ vốn vay ưu đãi của Chính phủ để đóng tàu công suất lớn, đến nay, toàn xã đã có 8 tàu vỏ thép hoạt động trên các vùng biển xa. Bà Huỳnh Thị Mỹ Dung – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết, định hướng nghề cá của xã là hạn chế hoạt động của tàu thuyền có công suất từ 90CV trở xuống, tranh thủ hỗ trợ của Nhà nước để tiếp tục đóng mới, nâng cấp tàu cá sản xuất xa bờ, đặc biệt là những tàu có công suất 600CV trở lên. “Chúng tôi tuyên truyền ngư dân theo nghề lưới vây và câu mực khơi là cần trang bị 100% máy dò cá, máy định vị, máy Icom để sản xuất thuận tiện trên các vùng biển xa, đồng thời dễ nắm bắt giá cả thị trường, cũng như liên lạc, giúp đỡ lẫn nhau khi không may gặp rủi ro” – bà Dung nói.
Đến nay, toàn huyện Núi Thành có 170 tàu cá sản xuất ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa. Sản lượng khai thác hải sản đạt 42 nghìn tấn trong năm 2016. Định hướng của địa phương từ nay đến năm 2020 là nâng tổng sản lượng khai thác hải sản mỗi năm đạt từ 55 nghìn tấn trở lên. Huyện tận dụng cơ chế của Trung ương và tỉnh để tiếp tục đầu tư, hoàn thiện các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp với hình thành cảng cá, khu hậu cần nghề cá nói chung; tăng thêm 30 tàu cá có công suất từ 400CV trở lên. Theo ông Nguyễn Văn Mau – Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, quan điểm của địa phương là phát triển nghề cá phải theo quy hoạch; từng bước hiện đại hóa khai thác hải sản trên cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; chú trọng phát triển nghề cá gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo và hạn chế tác hại xấu đến nguồn lợi gần bờ.
Tăng sản lượng hải sản xa bờ
Theo bà Phạm Thị Hoàng Tâm – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, toàn tỉnh hiện có 4.345 phương tiện khai thác hải sản, trong đó tàu cá hoạt động xa bờ là 694 chiếc, tăng 55 chiếc so với thời điểm tháng 12.2016. Đây là tín hiệu rất đáng mừng, tạo điều kiện để quá trình tái cơ cấu phát triển nghề khai thác hải sản đến năm 2020 thành công. Theo Sở NN&PTNT, một trong những giải pháp là thực hiện hiệu quả hơn chương trình điều tra thu mẫu thống kê sản lượng khai thác cũng như theo dõi diễn biến nguồn lợi, ngư trường, qua đó kết hợp với dự báo của cơ quan trung ương, xây dựng, phổ biến bản tin khai thác hải sản để ngư dân nâng cao năng suất khai thác, giảm chi phí chuyến biển.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế biển của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chủ trương chuyển dịch cơ cấu nghề khai thác hải sản Quảng Nam từ khai thác ven bờ sang khai thác xa bờ; phát triển các nghề đánh bắt đối tượng có giá trị kinh tế cao như lưới vây, chụp mực, câu mực khơi, lưới rê hỗn hợp để tăng hiệu quả sản xuất. Đồng thời triển khai nhiều biện pháp thiết thực bảo vệ nguồn lợi, tài nguyên biển, hướng đến sản xuất hiện đại, bền vững, nâng cao thu nhập cho người lao động cũng như góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển Tổ quốc. Theo đó, sẽ tổ chức lại sản xuất nghề cá theo cách duy trì mức tổng sản lượng khai thác 75.000 – 80.000 tấn/năm nhưng tăng dần tỷ trọng sản lượng khai thác hải sản xa bờ qua các năm. Đến năm 2020 sản lượng khai thác xa bờ chiếm khoảng 60% tổng sản lượng khai thác. Đến mốc thời gian này, toàn tỉnh phát triển đội tàu cá xa bờ cả về chất lẫn về lượng, tổng tàu cá của tỉnh còn khoảng 3.800 chiếc, số lượng tàu cá xa bờ là 600 chiếc.
>> Sở NN&PTNT cho biết, từ đầu tháng 5 này, quá trình khai thác hải sản của ngư dân Quảng Nam dự đoán sẽ gặp khó khăn do Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá phi lý, dùng tàu lớn xua đuổi ngư dân. Vì thế, ngành thủy sản, Hội Nghề cá của tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng, cảnh sát biển để hỗ trợ, giúp ngư dân yên tâm sản xuất trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Tổ quốc. Ông Trần Quang Kiến – Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam kêu gọi ngư dân đoàn kết sản xuất trên các ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa vì vùng biển này thuộc chủ quyền của Việt Nam. |