Khai thác thủy sản kiểu tận diệt được coi là kẻ thù của biển nhưng nhiều người vì hám lợi nên đã cố tình vi phạm. Biển dường như “ngừng thở”, nhưng người vi phạm vẫn tiếp tục tái phạm.
Bắt ghe cào điện tận diệt thủy sản trên sông Hậu Ảnh: Đình Tuyển
Hà Tĩnh có bờ biển dài 137 km, với nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản. Tuy nhiên nhiều năm qua, tình trạng khai thác kiểu tận diệt vẫn xảy ra tại đây. Năm 2016, tình trạng sụt giảm trong khai thác đã ảnh hưởng đến ngư dân, với tổng sản lượng khai thác thủy sản ước 26.160 tấn, giảm 16,28% so năm 2015. Việc đánh bắt tận thu sẽ gây hậu quả rất lớn, dẫn đến cạn kiệt sinh vật biển, mất cân bằng sinh thái môi trường.
Gần đây nhất, tại Quảng Ninh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức tiêu hủy tang vật thu từ hoạt động khai thác thủy sản trái phép. Theo đó, tiêu hủy 105 bộ kích điện, gần 700 kg dây điện, 4 hệ thống nạp nén khí, 10 súng bắn điện tự chế, 24 bộ đồ lặn, 10 chiếc chân người nhái, 1.370 m ống nhựa dẫn khí, 10 kính lặn, 27 ắc quy, 6 bộ đai chì, 2 đèn pin, 180 chiếc rọ lồng bát quái.
Mặc dù, tình trạng khai thác cá mang tính hủy diệt diễn ra rất phổ biến, nhưng việc phát hiện xử phạt hành chính không nhiều vì phần lớn những người sử dụng phương tiện này đều là hộ nghèo; không có tiền đóng phạt; trong khi ghe, tàu là tài sản duy nhất của cả gia đình. Chính vì vậy, cần tuyên truyền sâu rộng cho ngư dân hiểu về nguồn lợi thủy sản đó là bảo vệ chính cho mình; tiếp tục tập huấn, đào tạo cán bộ quản lý thủy sản ở địa phương về ngành thủy sản để nâng cao tay nghề thực hiện nhiệm vụ này tốt hơn. Mặt khác, cần thực hiện các biện pháp mạnh tay hơn nữa để chấm dứt tình trạng này, bảo vệ môi trường và đặc biệt bảo vệ nguồn lợi thủy sản.