(TSVN) – Tháng 11, ĐBSCL nới lỏng giãn cách xã hội theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, bởi nhiều nguyên nhân, số F0 phát hiện hàng ngày ở nhiều địa phương tăng gấp nhiều lần tháng trước. Trong lúc, yêu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh vẫn cấp bách và đã xuất hiện tình trạng “tai nạn cho doanh nghiệp mùa dịch” cần được tháo gỡ. Điển hình là hai doanh nghiệp thủy sản ở tỉnh Bạc Liêu.
Ngày 10/11/2021, UBND thị xã Giá Rai ra quyết định xử phạt hành chính Công ty TNHH XNK Thủy sản Tấn Khởi (Công ty Tấn Khởi) về hành vi “Không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan tổ chức có thẩm quyền”. Nguyên do, Công ty Tấn Khởi không lấy mẫu xét nghiệm định kỳ hằng tuần cho công nhân, người lao động trong công ty nên không phát hiện kịp thời F0, dẫn đến lây lan dịch bệnh. Áp dụng Khoản 5, Điều 4; Khoản 2, Điều 14 Nghị định 117/2020, Công ty Tấn Khởi bị phạt 20 triệu đồng với tình tiết tăng nặng. Cùng ngày, UBND thị xã Giá Rai ra quyết định xử phạt Công ty TNHH MTV Thủy sản Châu Bá Thảo (Công ty Châu Bá Thảo) 20 triệu đồng với hành vi tương tự.
Trước đó, từng có ý kiến xem xét hình sự hai công ty. Tuy nhiên, Công an tỉnh Bạc Liêu vào cuộc điều tra và kết luận không có căn cứ xử lý hình sự, nên đề xuất UBND thị xã Giá Rai xử phạt hành chính về hành vi nêu trên.
Công ty Tấn Khởi có đông công nhân nên tính đến thời điểm bị xử phạt, ổ dịch ở Công ty được coi là lớn nhất tỉnh Bạc Liêu, có gần 700 ca F0 là lao động trong Công ty. Người được phát hiện mắc bệnh đầu tiên vào ngày 19/10, một nữ công nhân. Từ ổ dịch này, dịch bệnh đã lây cho hàng trăm người ngoài cộng đồng và công ty khác. Trong đó, có hơn 500 ca F0 ở Công ty Châu Bá Thảo được xác định lây từ Công ty Tấn Khởi, do thuê chung những người nấu ăn.
Tình hình dịch bệnh phức tạp, các doanh nghiệp thủy sản phải sử dụng nhiều công nhân, với đặc trưng ngành nghề phải liên kết nhiều địa phương, nhiều lực lượng nên rất khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp thủy sản cho rằng, đang bị áp lực nặng nề, rất căng thẳng, bởi chỉ cần một công nhân sơ suất là cả doanh nghiệp khốn đốn.
Tại buổi đối thoại với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu vào chiều 12/11, nhiều doanh nghiệp đã nêu khó khăn và kiến nghị tháo gỡ để đẩy mạnh việc phục hồi sản xuất kinh doanh dù dịch bệnh đang bùng phát.
Ông Trần Văn Diệu, Giám đốc Công ty Thủy sản Thái Minh Long ở thị xã Giá Rai, bộc bạch rằng, Công ty hoạt động trong sự lo âu rất lớn, ranh giới quá mong manh giữa trách nhiệm nặng nề ngày đêm với bị coi là thiếu trách nhiệm. Liên hệ trường hợp Công ty Tấn Khởi và Công ty Châu Bá Thảo, ông Diệu nói, có thể xem đây là một tai nạn điển hình của doanh nghiệp thủy sản, chỉ một sơ suất của công nhân là thành chuyện lớn.
Theo ông Diệu, đang có tình trạng quá sợ dịch mà một số công ty vẫn đóng cửa, cho công nhân nghỉ. Trong khi tỉnh Bạc Liêu có hàng chục nghìn người dân từ vùng dịch vừa “hồi hương”, áp lực rất lớn cho xã hội và tình hình an ninh trật tự, cần các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh để giải quyết việc làm cho lao động.
“Áp lực rất nặng nề cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Chống dịch thì doanh nghiệp đã làm bằng mọi biện pháp, chấp nhận chi phí phát sinh lớn nhưng không thể khẳng định điều gì tuyệt đối. Nếu lỡ xảy ra dịch bệnh là bị truy trách nhiệm này nọ thì ai dám làm, thử hỏi làm sao phục hồi sản xuất kinh doanh?”, ông Diệu đặt câu hỏi.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng phát biểu là không hề ai muốn dịch bệnh xảy ra trong công ty mình. Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với lao động, với xã hội đã triển khai mọi biện pháp được hướng dẫn nhưng bởi dịch COVID-19 quá mới mẻ và phức tạp, khó ngăn chặn lây lan tuyệt đối. Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị lãnh đạo tỉnh cần khuyến khích doanh nghiệp bằng chính sách, cơ chế bảo vệ doanh nghiệp đang quên mình vượt lên dịch bệnh để tổ chức sản xuất kinh doanh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều phân tích việc xảy ra ở Công ty Tấn Khởi là do cách phòng, chống dịch không hiệu quả, như không có “3 tại chỗ”, để công nhân sáng đi chiều về ở gia đình, có tiếp xúc với người từ vùng dịch vừa “hồi hương” rồi vào Công ty làm dẫn đến lây lan. Ông bày tỏ, tỉnh cũng rất lo lắng, phải quyết liệt vì nếu để dịch lây lan kéo dài trong cộng động thì rất phức tạp. Trong phòng, chống dịch, rất cần người dân và doanh nghiệp cùng đồng hành chứ riêng chính quyền không làm được. Người dân và doanh nghiệp ủng hộ chính quyền thì chống dịch mới hiệu quả.
Chủ tịch Thiều chia sẻ với các doanh nghiệp, cho rằng, doanh nghiệp đừng quá lo sợ, quan điểm hiện nay là “sống chung với dịch”, nếu dịch xảy ra ở khu vực nào sẽ phong tỏa diện hẹp chứ không toàn bộ doanh nghiệp. Yêu cầu các doanh nghiệp xét nghiệm cho công nhân đầy đủ, đúng quy định để bảo vệ công nhân, bảo vệ doanh nghiệp.
“Biện pháp cuối cùng là tiêm vaccine, tỉnh cố gắng tiêm tỷ lệ bao phủ trong dân tăng lên, trong đó có ưu tiên tiêm cho công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp; nhất là các doanh nghiệp có đông công nhân”, Chủ tịch Thiều kết luận.