Để từng bước hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ, UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo tạm dừng đóng mới tàu cá vỏ gỗ trên địa bàn tỉnh kể từ ngày 1-1-2017. Đây được xem là bước đột phá quan trọng trong chuỗi các hoạt động nhằm củng cố lại năng lực để phát triển bền vững ngành đánh bắt hải sản, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Tàu vỏ thép hành nghề lưới rê số hiệu BV96779TS của ông Phạm Ngọc Hoàng (phường 3, TP. Vũng Tàu) đóng mới bằng nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định 67 của Chính phủ.
Hiện đại hóa đội tàu đánh bắt
Nhằm hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả đánh bắt và bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình mới, UBND tỉnh đã có văn bản số 9917/UBND-VP tạm dừng đóng tàu cá vỏ gỗ từ ngày 1-1-2017. UBND tỉnh giao Sở NN-PTNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền cho ngư dân và các cơ sở đóng tàu trên địa bàn tỉnh biết, có hướng chuyển đổi từ đóng tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ thép, composite và vật liệu mới phù hợp.
Ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Đến nay, tổng số tàu cá vỏ gỗ trên địa bàn tỉnh hơn 6.300 chiếc, trong đó 2.963 tàu đánh bắt xa bờ, có công suất trên 90CV. Theo quy hoạch phát triển khai thác và dịch vụ hậu cần thủy sản đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt, lượng tàu cá vỏ gỗ của tỉnh phải giảm xuống còn 5.000 chiếc, tức là hiện nay đã vượt quy hoạch 1.300 chiếc. Việc dừng đóng tàu cá vỏ gỗ là nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ, khuyến khích ngư dân đóng tàu vỏ thép, composite thay cho tàu vỏ gỗ, dần hình thành đội tàu hiện đại, giúp ngư dân vươn ra vùng biển xa, góp phần bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Để hỗ trợ ngư dân đóng tàu cá vỏ thép, triển khai thực hiện Nghị định số 67 của Chính phủ, UBND tỉnh đã phê duyệt đóng mới 121 “tàu 67”, trong đó 63 tàu vỏ thép và 18 tàu composite. Đến nay, đã có 13 tàu cá vỏ thép, vật liệu mới hoàn thành và đi vào hoạt động, mở ra một hướng đi mới trong việc hình thành và hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân tỉnh BR-VT.
Ngư dân cần sự hỗ trợ của nhà nước
Ngư dân Thái Thuần Tốt, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền cho rằng, việc tạm dừng đóng mới tàu cá vỏ gỗ là một chủ trương đúng đắn của Nhà nước để hướng ngư dân chuyển sang đóng tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới. Việc đóng tàu cá bằng vỏ thép sẽ giúp ngư dân có được con tàu hiện đại, giúp tàu chống chọi tốt với sóng gió ở biển khơi, tăng hiệu quả kinh tế. “Hiện nay, tôi đang đóng mới 1 chiếc tàu vỏ thép hành nghề dịch vụ hậu cần thủy sản. Tàu có chiều dài 53m, công suất hơn 2.064CV, trên tàu có đầy đủ máy rada, máy định vị, đặc biệt là hầm bảo quản sản phẩm hiện đại, có thể giữ cá tươi hàng tháng trời. Hải sản được bảo quản tốt sẽ giúp ngư dân nâng cao giá trị sản phẩm sau thu hoạch, bán được giá. Tàu gỗ tối đa chỉ chịu được gió cấp 7 nhưng tàu vỏ thép có thể chịu được gió cấp 9 – 10, lại không lo bị nước tràn vào các khoang. Tàu vỏ thép có rất nhiều ưu điểm, vượt xa tàu vỏ gỗ như an toàn hơn, di chuyển đạt vận tốc cao hơn. Các khoang trên tàu rất rộng, chứa được nhiều ngư cụ, nguyên liệu, vật dụng sinh hoạt, có thể hoạt động hàng tháng trời trên biển”, ông Tốt cho biết.
Tương tự, ngư dân Nguyễn Văn Tài, phường 5, TP.Vũng Tàu (chủ 10 đôi tàu vỏ gỗ) cho rằng, chủ trương hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ là hoàn toàn đúng đắn, là bước đột phá quan trọng để phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm 40 năm làm nghề đánh bắt hải sản của mình, ông Tài cho rằng, tàu vỏ gỗ có khả năng chịu mặn tốt nên có thể hoạt động trên biển liên tục trong suốt 12 tháng mới cần lên ụ để duy tu, bảo dưỡng. Trong khi đó, tàu vỏ sắt chịu mặn kém hơn nên chỉ khoảng 6 tháng là phải tiến hành bảo dưỡng, khiến chi phí đánh bắt tăng cao. Hơn nữa, chi phí đóng tàu vỏ sắt cao hơn nhiều tàu vỏ gỗ. Do vậy, để chuyển sang tàu vỏ sắt, ngư dân rất cần sự hỗ trợ của nhà nước trong việc vay vốn.