T2, 06/07/2020 11:38

Tận diệt thủy sản không thương tiếc ở hồ thủy điện Tuyên Quang

Chưa có đánh giá về bài viết

Kể từ khi được tích nước, hồ thủy điện Tuyên Quang được ví như “Hạ Long trên cạn” rộng hơn 8.000 ha mặt nước, với 99 ngọn núi hùng vĩ có hình dáng độc đáo khác nhau. Nơi đây có nhiều thủy sản quý hiếm như cá lăng, chiên, dầm xanh và anh vũ.

Thế nhưng, sau nhiều năm trời bị người dân dùng vó đèn đánh bắt, khai thác bừa bãi theo kiểu tận diệt, nguồn thủy sản dồi dào trên nay đang dần cạn kiệt.

 

Vó đèn – ngư cụ tận diệt từ cá lớn đến cá bột

Trong chuyến đi thực tế tại lòng hồ thủy điện Tuyên Quang vào một chiều tháng Tư, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những chiếc thuyền tôn chở đầy ắp các loại cá, lần lượt tiến vào bãi đậu. Ven bờ hồ, những chiếc vó lưới được giăng thả, rồi thu gom từng mẻ lớn cá quả, chép, trôi, rô phi và cá mương…

Trong câu chuyện với khách, anh Toàn – người lái thuyền đưa chúng tôi tham quan lòng hồ bảo, từ khi hồ thủy điện tích nước, cá xuất hiện ở hồ ngày càng nhiều. Nhận thấy nguồn cá lớn, một số hộ dân thạo sông nước đã đầu tư công cụ khai thác cá với tần suất ngày càng lớn.

Theo lời anh Toàn, thời gian gian đầu người dân chủ yếu dùng lưới cỡ lớn để đánh bắt. Sau khi bắt hết cá lớn, người dân quanh vùng hồ chuyển sang sắm vó đèn đủ kích cỡ với mắt lưới dày, kết hợp với đèn điện công suất lớn để càn quét các loại cá nhỏ, kể cả những con cá bột mới vài tuần tuổi.

Một trong những điểm người dân dùng vó đèn để khai thác cá trên hồ thủy điện Tuyên Quang nhiều nhất là khu vực Bản Cài thuộc khu vực xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình. Tại đây, có khoảng 6 vó đèn đang được người dân sử dụng để đánh bắt cá với tần suất liên tục.

 

Lưới vó giăng kín trên mặt hồ để đánh bắt cá – Ảnh: HC/Vietnam+

Thông thường, người dân thả vó bắt cá lúc trời bắt đầu nhá nhem. Sau khi lưới được thả xuống đáy hồ, người dân sẽ bật các bóng đèn công suất từ 100 W trở lên để dụ cá về. Đến khoảng 3 giờ sáng ngày hôm sau, những mẻ lưới sẽ được cất lên để thu cá.

Một người đàn ông có thâm niên kéo vó đèn ở xã Thượng Lâm cho biết, từ ngày làm nghề đánh bắt cá tại hồ thủy điện Tuyên Quang, mỗi đêm ông thả và cất vó 2 lần, mỗi lần được khoảng 60 kg đến 1 tạ cá các loại, bán được khoảng 500.000 đến 1.000.000 đồng. “Vùng này nước ngập hết, cuộc sống mưu sinh không có gì nữa nên chỉ biết đi cất vó đèn,” ông nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để đầu tư một vó đèn diện tích lớn, khoảng 500 m2, người dân phải bỏ ra khoảng 30 triệu đồng. Cuộc sống khó khăn, nên để có tiền đầu tư, nhiều người đành phải vay lãi hoặc mang bán, thế chấp tài sản. Bởi vậy, sau khi sắm vó lưới, không ít gia đình đã phải cật lực đánh bắt, bất chấp các quy định của Nhà nước về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

 

Thiếu chế tài, thủy sản tiếp tục bị hủy diệt

Ông Nguyễn Xuân Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) cho biết, hồ thủy điện Tuyên Quang có diện tích mặt nước lớn nên công tác quản lý, ngăn chặn người dân dùng vó đèn với mắt lưới dày để đánh bắt cá trái quy định trên hồ thủy điện là rất khó.

Theo ông Hải, những năm trước tình trạng người dân dùng vó đèn đánh bắt cá diễn ra rất phổ biến. “Để xử lý việc này, huyện Lâm Bình đã thành lập tổ công tác (bao gồm công an, phòng nông nghiệp, kiểm lâm và chính quyền xã) đi kiểm tra, tuyên truyền, vận động người dân tháo gỡ vó đèn. Nhờ làm quyết liệt nên tình trạng sử dụng vó đèn đánh bắt cá đã dần tạm lắng,” ông Hải chia sẻ.

 

Nhiều loại cá bị đánh bắt không thương tiếc – Ảnh: HC/Vietnam+

Mặc dù vậy, lãnh đạo phòng nông nghiệp huyện Lâm Bình cũng thừa nhận, do lực lượng tổ công tác mỏng, trong khi diện tích mặt hồ rộng lớn nên các thành viên trong tổ công tác không thể đi và kiểm soát hết được. Bởi vậy, những găm gần đây, nhất là từ đầu năm 2015 đến nay, tình trạng người dân dùng vó đèn với mắt lưới dày để đánh bắt cá sai quy định vẫn tiếp tục diễn ra.

Trong câu chuyện với khách, ông K. ở xã Thượng Lâm – người gắn bó với hồ Thủy điện Tuyên Quang tại khu vực hồ Bản Cài cho biết, ban đầu nơi đây chỉ có hai vó đèn là của ông Hỏa Văn Pháp và bà Trần Thị Hoa nhưng đến nay tại khu vực eo ngách Bản Cài đã có thêm 7 hộ làm nghề đánh bắt cá với 6 vó mắt lưới không đúng kích cỡ theo quy định.

Chia sẻ về việc tại sao có tổ công tác đi kiểm tra nhưng người dân vẫn ngang nhiên dùng vó đèn đánh bắt cá, ông K cho biết, cứ khi có lực lượng đi kiểm tra, người dân liền cất giấu hết công cụ khai thác, kể cả máy kích đánh bắt cá bằng xung diện. Sau khi lực lượng chức năng về, họ lại mang ra đánh bắt cá theo kiểu hủy diệt.

Về việc này, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp huyện Yên Bình chia sẻ, thông thường một tháng tổ công tác chỉ đi tuần tra được 1 – 2 lần, bởi các thành viên trong tổ còn phải làm nhiều việc khác. Hơn nữa, việc đi tuần tra này liên quan đến tiền dầu, xăng cộ đi lại nên không thể thường xuyên kiểm tra, hay cấm triệt để được.

“Với khăn như vậy, nếu bảo cấm triệt việc người dân dùng vó đèn trái quy định để khai thác cá chỉ là nói phét. Tuy nhiên, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên khu vực hồ, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận người dân tháo gỡ vó đèn, thay vào đó là nuôi cá lồng bè và đánh bắt cá bằng những công cụ theo quy định,” ông Hải nói.

Mai Huyền

Vietnam+

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!