(TSVN) – Bộ NN&PTNT đang xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 (Chương trình). Với mục tiêu chung là bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, nhằm phục hồi nguồn lợi, gắn với quản lý có hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản; để phát triển thủy sản bền vững, giữ gìn tính đa dạng sinh học, giá trị tài nguyên sinh vật của Việt Nam.
Mục tiêu cụ thể của Chương trình:
Đến năm 2025
– Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn lợi thủy sản được xây dựng hoàn thiện, được cập nhật thường xuyên, liên tục.
– Thành lập và đưa vào hoạt động các khu bảo tồn biển được phê duyệt tại Quy hoạch Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để bảo đảm đạt tổng diện tích vùng biển được bảo tồn lên trên 0,4% diện tích vùng biển Việt Nam; góp phần thực hiện mục tiêu tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển lên 6% vùng biển tự nhiên vùng biển quốc gia đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW.
– Phục hồi 30% diện tích hệ sinh thái biển bị suy thoái trong các khu bảo tồn biển, 10% diện tích hệ sinh thái biển bị suy thoái ngoài khu bảo tồn biển đã được điều tra, đánh giá.
– Ít nhất 15 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản phê duyệt tại Quy hoạch Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tổ chức quản lý.
– Ít nhất 7 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản có hiệu quả.
– Tối thiểu 5% số lượng loài thủy sản trong Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được phục hồi, tái tạo.
– Trữ lượng nguồn lợi thủy sản được duy trì tương đương với kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản giai đoạn năm 2016 – 2020.
Đến năm 2030
– Công tác điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản được thực hiện đầy đủ, liên tục; thông tin, dữ liệu về nguồn lợi thủy sản được số hóa, cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản.
– Hệ thống cơ sở dữ liệu về nguồn lợi thủy sản được nâng cấp, tích hợp, liên thông giữa cơ quan quản lý cấp Trung ương và địa phương theo hướng đồng bộ, thống nhất.
– Tiếp tục thành lập và đưa vào hoạt động các khu bảo tồn biển được phê duyệt tại Quy hoạch Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, để nâng tổng diện tích vùng biển được bảo tồn lên trên 0,5% diện tích vùng biển Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển lên 6% vùng biển tự nhiên vùng biển quốc gia đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW.
– Phục hồi 70% diện tích hệ sinh thái biển bị suy thoái trong khu bảo tồn biển, 30% diện tích hệ sinh thái biển bị suy thoái ngoài khu bảo tồn biển đã được điều tra, đánh giá.
– Ít nhất 15 khu bảo bảo vệ nguồn lợi thủy sản (so thời kỳ 2021 – 2025) phê duyệt tại Quy hoạch Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tổ chức quản lý.
– Ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện tốt đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
– Tối thiểu 10% số lượng loài thủy sản trong Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được phục hồi, tái tạo.
– Trữ lượng nguồn lợi thủy sản phục hồi, tăng khoảng 5% so kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản giai đoạn năm 2016 – 2020.
Theo đó, để đạt được các mục tiêu trên, Chương trình cũng đề ra các nhiệm vụ cụ thể như: Điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản; bảo tồn biển; bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản và phục hồi môi trường sống của loài thủy sản; thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức, cá nhân trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản.
Vân Anh