Tại Công điện số 1275/CĐ-TTg mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành có liên quan và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển khẩn tăng cường thực hiện một số giải pháp cấp bách để khắc phục khai thác IUU.
Xử lý nghiêm hành vi khai thác thủy sản trái phép
Công điện nêu rõ, tại Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả triển khai Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) mới đây đều chung nhận định, hiện nay tình hình khai thác IUU của Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt về công tác hoàn thiện thể chế, nâng cao nhận thức của ngư dân, cộng đồng xã hội và các thành phần liên quan về khai thác IUU, tàu cá vi phạm khai thác hải sản quý hiếm ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương cơ bản đã chấm dứt, hoạt động hợp tác quốc tế với các nước, tổ chức quốc tế được tăng cường.
Tuy nhiên, hiện trạng công tác vẫn chưa đạt yêu cầu theo đánh giá của Đoàn Thanh tra của EC khi kiểm tra thực tế tại Việt Nam hồi tháng 5 vừa qua. Cụ thể, tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn, hoạt động thực thi pháp luật chống khai thác IUU chưa nghiêm, công tác chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác chưa đảm bảo độ tin cậy, hệ thống giám sát tàu cá chưa đáp ứng được yêu cầu, công tác kiểm soát tàu thuyền tại các cảng còn hạn chế… Để giải quyết dứt điểm vấn đề này, Thủ tướng yêu cầu:
– Các địa phương rà soát tổng thể các biện pháp thực thi trên cơ sở nội dung khuyến nghị của EC. Bố trí kinh phí, nhân lực cho các đơn vị trực thuộc để tập trung triển khai thực hiện hiệu quả việc tổ chức giám sát tàu cá hoạt động trên biển; đẩy nhanh tiến độ thu hồi thiết bị Movimar và tiến hành lắp đặt cho các tàu cá có chiều dài 24 m trở lên theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT; nâng cấp thiết bị VX-1700 lắp đặt trên tàu và trạm bờ. Cùng đó, kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến; kiểm soát sản lượng cập bến theo quy định. Tăng cường theo dõi, quản lý số lượng tàu cá địa phương hoạt động dài ngày trên biển. Đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin về phòng, chống khai thác IUU đến ngư dân…
– Bộ NN&PTNT, tham mưu trình Chính phủ phương án thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống đánh bắt bất hợp pháp. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương ven biển trang bị, lắp đặt, sử dụng, quản lý đồng bộ thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá; trước mắt tập trung theo dõi, giám sát số lượng tàu cá đã trang bị VX-1700, Movimar. Cùng đó, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ chung, đặc biệt là việc phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải xây dựng cơ chế kiểm soát tàu và hàng thủy sản có nguồn gốc từ khai thác cập cảng Việt Nam bảo đảm thực hiện các quy định về biện pháp quốc gia có cảng…
– Bộ Công an, chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm hành vi môi giới, đầu tư cho tàu cá, ngư dân đi khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển nước ngoài; lập danh sách và quản lý chặt chẽ số ngư dân được nước ngoài trả về. Áp dụng cơ chế hợp tác về an ninh giữa Việt Nam với các nước, nhất là Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Campuchia phối hợp xử lý các trường hợp công dân nước ngoài hoặc công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài móc nối với các đối tượng trong nước đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi vi phạm vùng biển nước ngoài.
– Bộ Ngoại giao, tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo hộ ngư dân, thông tin kịp thời về tình hình tàu cá và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh đàm phán phân định ranh giới vùng biển giữa Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực. Chỉ đạo Phái đoàn Việt Nam tại EU tăng cường tiếp xúc với các cơ quan chức năng của EU để cung cấp, làm rõ thông tin về những biện pháp Việt Nam đã thực hiện theo khuyến nghị của EC; phối hợp vận động cơ quan chức năng của EU ủng hộ gỡ “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản của Việt Nam.
– Bộ Giao thông vận tải cần tổ chức thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ tàu vận chuyển thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam hoặc tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam nhằm đảm bảo tuân thủ quy định; Phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính xây dựng cơ chế kiểm soát tàu và hàng thủy sản nước ngoài có nguồn gốc từ khai thác cập cảng Việt Nam bảo đảm thực hiện các quy định về biện pháp quốc gia có cảng… Việc thực hiện thành công những vấn đề này sẽ đảm bảo quá trình gỡ “thẻ vàng” cho hải sản Việt Nam được thuận lợi và thành công.
– Bộ Tài chính cần bố trí kinh phí duy trì Hệ thống giám sát tàu cá bằng công nghệ vệ tinh Movimar giai đoạn 2019 – 2020 để giám sát đội tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên theo khuyến nghị của EC trên cơ sở đề xuất của Bộ NN&PTNT…