(TSVN) – Nhằm tăng cường hơn nữa thương mại, quan hệ và đầu tư giữa Việt Nam và Ấn Độ, chiều ngày 31/3, Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Chi nhánh TP Hồ Chí Minh kết hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Kết nối doanh nghiệp Ấn Độ – Việt Nam” lần thứ 2 với chủ đề “Cập nhật về thị trường xuất, nhập khẩu”.
Năm 2022 có ý nghĩa rất quan trọng trong quan hệ Việt Nam – Ấn Độ khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1972 – 2022). Với “Tầm nhìn chung vì “Hòa bình, Thịnh vượng và Con người”, hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trong đó đặc biệt là “thịnh vượng” trong quan hệ hợp tác kinh tế.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc VCCI cho biết: “Hiện nay, đối với Ấn Độ, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 18 trên toàn cầu và là đối tác thương mại lớn thứ 4 trong ASEAN, sau Singapore, Indonesia và Malaysia. Đối với Việt Nam, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 7, nguồn nhập khẩu lớn thứ 7 và thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 trên toàn cầu”.
Ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc VCCI phát biểu khai mạc Hội thảo
Thông tin tại Hội thảo, trong năm 2021, mặc cho tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Ấn Độ lần đầu tiên vượt mức 13 tỷ USD, đạt 13,2 tỷ USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 6,2 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020 và giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này đạt gần 7 tỷ USD, tăng 57% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai nước đã đạt trên 1,38 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt trên 713 triệu USD và giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này đạt trên 674 triệu USD.
Về phía Ấn Độ, ông R.O. Sunil Babu, Lãnh sự/Chánh Văn phòng Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh cũng bày tỏ sự gắn kết mối quan hệ hợp tác, phát triển toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ trong nhiều năm qua. Đại dịch COVID-19 đang dần qua đi, hai quốc gia đã bắt đầu chính sách mở cửa đón khách quốc tế, việc giao thương cũng trở nên thuận lợi, ông kỳ vọng trong thời gian tới doanh nghiệp hai nước sẽ có nhiều cơ hội phát triển và thành công hơn nữa trong tất cả các lĩnh vực.
Theo đó, trong các nhóm ngành, sản phẩm tiềm năng Ấn Độ xuất khẩu sang Việt Nam tăng trưởng trên 5%, mã HS 03 cá và các loài động vật giáp xác, nhuyễn thể hai mảnh vỏ… đứng ở vị trí thứ 4, đạt 238.223 tấn, chiếm 14,9% trong thị phần nhập khẩu của Việt Nam trong năm tài khóa 2021 – 2022 (tháng 4/2021 – 1/2022).
Ông R.O. Sunil Babu, Lãnh sự/Chánh Văn phòng Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh bày tỏ sự kỳ vọng hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước hơn nữa trong thời gian tới
Theo chiều ngược lại, bà Lê Thị Mai Anh – Trưởng phòng Đông Nam Á, Nam Á và Hợp tác Khu vực Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương cũng có những nhận định lạc quan về thị trường xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ. Do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Ấn Độ năm 2020 sụt giảm gần 14% nhưng đã dần hồi phục và lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021, đạt mức 13,2 tỷ USD, tăng mạnh gần 37% so với năm 2020, mức cao nhất từ trước đến nay. Các ngành hàng tăng trưởng như công nghiệp chế biến, mặt hàng nông, thủy sản… Trong đó, cao su vẫn luôn chiếm thị phần số 1 tại Ấn Độ, bất chấp bối cảnh dịch bệnh, ngành hàng này vẫn tiếp tục xu hướng tăng phi mã, tăng 138% trong năm 2021 so năm 2020; tiếp đến là hạt tiêu, hạt điều tăng 70%; riêng chè và cà phê có sự sụt giảm do nhu cầu tiêu thụ giảm; đối với hàng thủy sản, kim ngạch xuất khẩu cá tra, cá ba sa chưa lớn nhưng cũng ghi nhận tăng trưởng tới hơn 60% và còn nhiều dư địa để phát triển.
Nhấn mạnh lại cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ kết nối giao thương, ông Võ Tân Thành khẳng định nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của đất nước tỷ dân này là rất lớn, các mặt hàng công nghiệp, nông, thủy sản… đều sẵn có tiềm năng. Các doanh nghiệp Việt cần cố gắng nhiều hơn, tiếp cận, bám sát thị trường, nắm bắt cơ hội, tận dụng lợi thế sẵn có để đẩy mạnh xuất khẩu.
Tuệ Nhi