Tăng cường kiểm soát tạm nhập tái xuất tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Mới đây VASEP đã kiến nghị Chính phủ có biện pháp tăng cường kiểm soát tạm nhập tái xuất tôm Ấn Độ và Ecuador, nhằm hạn chế tối đa tình trạng gian lận thương mại. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, cần phải siết chặt hoạt động này để tránh việc các nước biến Việt Nam thành điểm thuận lợi để trung chuyển tôm vào Trung Quốc.

Cần kiểm soát tốt hoạt động nhập khẩu tôm   Ảnh: Trần Huy

Cần kiểm soát tốt hoạt động nhập khẩu tôm Ảnh: Trần Huy

Thị trường Trung Quốc khát tôm

Trung Quốc là một trong những thị trường tiềm năng của ngành thủy sản Việt Nam và của nhiều nước. Năm 2017, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt trên 1 tỷ USD, tăng 59,3% so năm 2016. Dự báo, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc vẫn tăng mạnh. Nhu cầu tiêu thụ thủy hải sản của Trung Quốc rất cao và đang tiếp tục “nóng”, do vậy việc tranh mua tranh bán và trục lợi thương mại có thể xảy ra.

Trung Quốc xuất khẩu 4,23 triệu tấn thủy sản vào năm 2017, trong khi nước này cũng nhập khẩu 4,89 triệu tấn thủy sản. Năm 2017, tôm là sản phẩm xuất khẩu lớn thứ hai của Trung Quốc, chiếm 12,2% tổng xuất khẩu với khối lượng 162.200 tấn, trị giá 1,91 tỷ USD (1,54 tỷ EUR). Các chuyên gia cho biết, Trung Quốc vừa nhập khẩu vừa xuất khẩu tôm là do nước này vừa phải đảm bảo nhu cầu tiêu thụ cho thị trường nội địa vừa muốn tham gia chi phối thị trường thủy hải sản thế giới bằng những lợi thế về nhân công giá rẻ và chi phí rẻ.

Kiến nghị của doanh nghiệp

Tháng 5/2018 giá tôm nguyên liệu giảm khá sâu dấy lên nhiều lo ngại, bên cạnh việc đây là thời điểm mà một số nước trong khu vực đẩy mạnh thu hoạch tôm thì việc Trung Quốc chuyển hướng mua tôm Ấn Độ có thể cũng là nguyên nhân khiến giá tôm nguyên liệu bị ảnh hưởng.

VASEP cũng từng lo ngại tình trạng một số doanh nghiệp tạm nhập tái xuất nguyên liệu thủy sản để tiêu thụ nội địa. Mỗi năm các doanh nghiệp nhập hơn 1 tỷ USD nguyên liệu thủy sản để chế biến xuất khẩu và những gian lận thương mại cũng có thể khiến cho thị trường mất đi sự cạnh tranh lành mạnh. Chính sách tạm nhập tái xuất cũng bị phản ảnh là có thể vô tình giúp các doanh nghiệp Trung Quốc lách được thuế nhập khẩu và tạo bất lợi cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Các doanh nghiệp phản ánh, những năm qua, chính sách tạm nhập tái xuất cho phép các doanh nghiệp Trung Quốc mua nguyên liệu tôm, cá… nhập khẩu vào cảng Hải Phòng; sau đó vận chuyển sang các tỉnh Trung Quốc sát đường biên theo chính sách hàng biên mậu, biến thành nguồn tôm, cá của Trung Quốc  xuất khẩu sang Mỹ, Nhật, EU.

VASEP kiến nghị Bộ Công thương xem xét trình Chính phủ bỏ chính sách tạm nhập tái xuất, chỉ cho phép nhập nguyên liệu về để chế biến, xuất khẩu và gia công xuất khẩu chính là phản ánh ý nguyện của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tạo ra sự công bằng trong xuất nhập khẩu thủy sản, cũng như tránh thiệt hại cho doanh nghiệp trong nước.

Hiện nay có thực trạng nhiều trường hợp lô hàng tạm nhập tái xuất sau khi được nhập nguyên container về rồi vận chuyển lên biên giới, được dỡ nhỏ ra và tiêu thụ tiểu ngạch. “Việc tiêu thụ như trên cũng không đúng theo quy ước thương mại quốc tế nên việc phát hiện vi phạm sẽ tác động rất xấu đến uy tín nông sản Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận định. Nhiều hàng hóa nông, lâm, thủy sản tạm nhập tái xuất thuộc danh mục cấm nhập khẩu, tiêu thụ trong nước đã được tuồn ra ngoài thị trường, tiêu thụ trót lọt. Do không phải đóng thuế nên giá các mặt hàng này rẻ hơn so với mặt bằng giá chung của thị trường khá nhiều. 

>> Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh từng nhấn mạnh, kinh doanh tạm nhập tái xuất là hoạt động được pháp luật Việt Nam thừa nhận và cho phép thực hiện. Bộ Công thương vẫn đang quản lý nhà nước hoạt động này theo đúng các quy định của Luật Thương mại, Luật Quản lý ngoại thương, các văn bản hướng dẫn có liên quan và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình quản lý, mọi ý kiến góp ý đều sẽ được Bộ Công thương nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện hoặc trình cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện các quy định có liên quan.

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!