Ngành thủy sản đầu năm 2016 gặp nhiều khó khăn do thời tiết và thị trường, mọi con mắt đều đổ dồn vào cuối năm 2016 cùng nhiều hy vọng. Song để đạt được kế hoạch đặt ra, lĩnh vực này đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải.
Xuất khẩu thủy sản 9 tháng đầu năm đạt mức khá với 4,93 tỷ USD tăng 4,3% so cùng kỳ 2015. Song diễn biến thời tiết bất lợi khiến giá tôm nguyên liệu tăng, nguồn cung khan hiếm và vì thế nhiều hộ nông dân bị tổn thất và lợi nhuận của toàn ngành không cao.
Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường chiếm 53,7% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Thị trường Trung Quốc tăng trưởng 55,2% so cùng kỳ năm ngoái, trong khi Mỹ chỉ tăng 14,3% , Thái Lan tăng 10,8%. Điều này dấy lên lo ngại ngành thủy sản sẽ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và với sự thất thường của thị trường này thì rất khó tin tưởng vào một con số phát triển ổn định. Một thị trường được kỳ vọng nhiều là Liên minh Kinh tế Á – Âu đạt 51,87 triệu USD. Xuất khẩu sang Liên bang Nga đạt 51 nghìn USD (chỉ tăng 4,1%), trong khi xuất khẩu sang Belarus 310.053 USD (giảm 11,9%). Nga là thị trường nhập khẩu hàng hóa truyền thống của Việt Nam. Tuy nhiên, hai bên còn vướng mắc về thủ tục thẩm định, khi Nga yêu cầu Việt Nam phải đáp ứng những quy định riêng.
Với mặt hàng cá tra, các chuyên gia vẫn dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2016 của sản phẩm này chỉ 1,5 tỷ USD, giảm 5% so năm 2015. Lý do cơ bản là cá tra vẫn phải cạnh tranh với các sản phẩm thủy sản thịt trắng khác.
Vấn đề lo ngại của cá tra là theo Đạo luật Farm Bill 2014, từ năm 2016 này, thay vì kiểm soát chất lượng vệ sinh thực phẩm, sẽ còn bị phía Mỹ kiểm soát cả các vùng nuôi cá tra của Việt Nam. Việc truy xuất nguồn gốc sẽ khiến ngành nuôi cá tra Việt Nam phải mất một thời gian chấn chỉnh lại quy trình và hạ tầng. Từ 1/9/2017, sản phẩm cá tra của Việt Nam muốn thâm nhập vào thị trường Mỹ phải được dán nhãn xuất xứ nơi nuôi trồng, xây dựng kế hoạch thú y thủy sản quốc gia và đặc biệt phải là quốc gia được Mỹ công nhận được phép xuất khẩu thực phẩm thịt vào nước này.
Xuất khẩu tôm 9 tháng đạt gần 2,25 tỷ USD – Ảnh: Huy Hùng
Việc tham gia sâu vào thị trường thế giới cũng đòi hỏi Việt Nam phải tuân thủ nhiều nguyên tắc thương mại. Chẳng hạn, các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ buộc việc kiểm soát chất lượng, môi trường và dịch bệnh trở nên khắt khe hơn nhiều. Sản phẩm sẽ phải đáp ứng quá nhiều yêu cầu chứng nhận như ASC, GlobalGAP… Trong bối cảnh đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, khả năng nguyên liệu cá tra thiếu khoảng 40% sẽ khiến cho kim ngạch xuất khẩu cá tra suy giảm.
Thời gian qua, tình hình mưa bão ngập lụt diễn ra khắp các vùng nuôi trồng thủy sản trên cả nước. Chưa kể, diện tích xuống giống các tỉnh vốn đã giảm nhiều, chẳng hạn tỉnh Cà Mau, mới thả nuôi khoảng 40% diện tích ao, đầm nuôi tôm công nghiệp. Thời tiết thay đổi khiến tôm có thể bị bệnh nên người dân không dám xuống giống nhiều. Cùng đó, sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung khiến việc mua bán thu gom thủy, hải sản ảnh hưởng nhiều và các doanh nghiệp chỉ có thể đạt 60% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất. Trong khi, tình hình mưa bão nhiều có thể còn đe dọa đến các vùng nguyên liệu ở miền Trung và miền Bắc.
Nhiều chuyên gia cho rằng, khả năng Việt Nam phải nhập khẩu tôm nguyên liệu là điều khó tránh khỏi, khi giá nhập khẩu khá rẻ và nguồn cung vẫn còn ổn định, như Ấn Độ, Philippines, Indonesia… Giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản tháng 9 ước 80 triệu USD, đưa giá trị nhập khẩu thủy sản 9 tháng năm 2016 lên 772,2 triệu USD, giảm 6,9% so cùng kỳ năm 2015. Thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất trong 9 tháng qua là Ấn Độ (chiếm 26,5% thị phần) tiếp đến là Na Uy, Đài Loan, Nhật Bản và Trung Quốc với thị phần lần lượt là 9,6%, 9,2%, 6,1% và 5,8%. Các thị trường có giá trị tăng so cùng kỳ năm 2015 là Indonesia, Đài Loan, Na Uy, Trung Quốc và Nga với giá trị tăng lần lượt là 66,5%, 31,3%, 30,6%, 9,8% và 7,4%. Thị trường có giá trị giảm mạnh so cùng kỳ năm 2015 là Chilê (giảm 24.5%). Khả năng cuối năm, diễn biến thời tiết phức tạp, việc nhập khẩu nguyên liệu sẽ còn diễn ra.
Mặc dù, việc nhập khẩu nguyên liệu thủy sản dùng cho gia công, sản xuất xuất khẩu đóng góp 7 – 14% giá trị kim ngạch của ngành nhưng nó sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến tâm lý người nuôi trồng trong nước.
Việc ngành thủy sản năm 2016 phải đối phó với diễn biến thất thường của khí hậu đã đặt ra cho Bộ NN&PTNT nhiệm vụ phục hồi và phát triển vùng nguyên liệu cá tra, tôm và các mặt hàng khác. Theo đó, Bộ đã đề xuất với Chính phủ triển khai một số biện pháp, chính sách tín dụng giúp người nuôi tôm khó khăn phục hồi sản xuất. Các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường, vì xuất khẩu sang Trung Quốc tuy thủ tục đơn giản, chất lượng không khắt khe nhưng giá bán chỉ bằng 1/2 – 1/3 so các thị trường khác như EU, Mỹ. Trong tình trạng khan hiếm nguyên liệu mà giá bán lại thấp thì kim ngạch và lợi nhuận khó đảm bảo.
Mặc dù thị trường Trung Quốc, Hồng Kông tăng trưởng mạnh, nhưng các nhà phân tích trong và ngoài nước đều cho rằng việc xuất khẩu sang các thị trường phát triển như EU, Nhật, Mỹ sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu trong năm 2016 ổn định hơn và đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, để tăng trưởng ở các thị trường lớn thì Việt Nam cần phải siết chặt vấn đề an toàn thực phẩm, xóa bỏ tình trạng lạm dụng kháng sinh, tích cực đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong giai đoạn mới.