Sau khi giảm nhẹ 5% trong quý II/2018, XK tôm Việt Nam trong tháng đầu tiên của quý III đã giảm tới 20,3% chỉ đạt 294,5 triệu USD. 7 tháng đầu năm nay, XK tôm đạt 1,9 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, tốc độ tăng trưởng XK tôm tính đến tháng 7/2018 đã chững lại trong bối cảnh xuất hiện một số yếu tố không thuận lợi cho XK từ giá tôm nguyên liệu tới nhu cầu thị trường NK.
XK tôm chân trắng tăng
Tôm chân trắng vẫn chiếm vị trí chủ đạo trong cơ cấu các sản phẩm tôm XK của Việt Nam, chiếm 67,6%, tôm sú chiếm 23,4% và tôm biển 8,9%. So với 6 tháng đầu năm 2017, tỷ trọng tôm chân trắng tăng trong khi tỷ trọng tôm sú giảm.
Trong 7 tháng đầu năm 2018, giá trị XK tôm chân trắng tăng 7%, trong khi XK tôm sú giảm 8% và tôm biển giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
XK tôm trong tháng 7 giảm mạnh
Tháng 7 năm nay, XK tôm Việt Nam sang các thị trường chính đồng loạt giảm so với tháng 7 năm ngoái. XK sang Trung Quốc giảm mạnh nhất 47%. XK sang Nhật Bản và Mỹ giảm lần lượt 15% và 18%. Ngay cả, XK sang 2 thị trường có nhu cầu ổn định và chưa từng ghi nhận tăng trưởng âm từ đầu năm tới nay là EU và Hàn Quốc cũng lần lượt giảm 15% và 10%.
XK tôm trồi sụt kể từ quý II/2018 được cho là do tác động của giá tôm nguyên liệu giảm ảnh hưởng tới giá XK, tồn kho cao khiến nhu cầu NK giảm từ các thị trường chính, các rào cản thương mại và biện pháp bảo hộ thị trường trong nước từ các thị trường NK chính ngày càng tăng.
Giá tôm nguyên liệu trong nước trong quý II/2018 giảm so với các tháng trước đó, thậm chí có thời điểm giảm đến 30%. Giá tôm nguyên liệu tại các nước sản xuất lớn như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc…cũng giảm mạnh trong bối cảnh các nước đồng loạt thu hoạch khiến nguồn cung dư.
Thị trường EU
EU vẫn là thị trường NK chính của tôm Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay, chiếm tỷ trọng 24,9%. XK tôm Việt Nam sang EU tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, XK sang thị trường này trong tháng 7 đã bắt đầu giảm 14,6% đạt 74 triệu USD. XK sang EU tính tới tháng 7 năm nay đạt 479,8 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
XK sang 3 thị trường chính trong khối (Hà Lan, Anh, Đức) 7 tháng đầu năm nay tăng lần lượt 46%, 20% và 36%. XK tôm Việt Nam sang thị trường EU vẫn được hưởng ưu đãi thuế GSP và được lợi khi 2 đối thủ cạnh tranh (Ấn Độ và Thái Lan) đều giảm mạnh XK sang thị trường này. Tuy nhiên, Việt Nam ngày càng phải cạnh tranh mạnh với Ecuador trên thị trường EU. Tôm Ecuador có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn tôm Việt Nam về giá, nguồn cung ổn định. Hơn nữa, EU ngày càng áp dụng nhiều biện pháp hợp tác và xúc tiến thương mại nhằm tăng XK tôm Ecuador sang EU.
Thị trường Mỹ
Bảy tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang Mỹ giảm 9,5% đạt 311,8 triệu USD. Thuế chống bán phá giá tăng cao được cho là một trong những nguyên nhân khiến XK tôm Việt Nam sang thị trường này giảm.
Về tổng NK tôm của Mỹ, sau khi tăng liên tục trong 14 tháng, NK tôm của Mỹ đã giảm trong tháng 5 và 6 năm nay. Tồn kho cao và XK từ các nguồn cung chính đều gặp khó đã làm giảm nguồn cung tôm vào thị trường Mỹ.
Sáu tháng đầu năm nay, Mỹ NK 303.637 tấn tôm, trị giá 2,8 tỷ USD, tăng 6% về khối lượng và 3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Top 5 nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ gồm Ấn Độ (chiếm thị phần 33,4%), Indonesia (21,7%), Ecuador (12,2%), Thái Lan (7,2%), Việt Nam (7,1%).
Trong các tháng còn lại của năm nay, khi nhu cầu NK từ các thị trường chính và giá tôm ổn định trở lại, XK tôm Việt Nam dự kiến đạt khoảng 4 tỷ USD cho cả năm.