Sóc Trăng có bờ biển dài trên 72 km. Ngư trường biển rộng hơn 30.000 km2, với nguồn thủy hải sản phong phú.
Toàn tỉnh hiện có trên 2.000 tàu, thuyền hoạt động trong lĩnh vực đánh bắt thủy hải sản; trong đó số tàu có công suất từ 30 mã lực được đăng ký hành nghề có hơn 1.600 chiếc, số phương tiện đánh bắt xa bờ có công suất từ 90 CV trở lên cũng đang tăng nhanh với gần 300 chiếc.
Để ngư dân an tâm bám biển, thông qua cuộc vận động “Nghĩa tình Hoàng Sa – Trường Sa”, tỉnh Sóc Trăng giao cho Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh triển khai xây dựng trạm thông tin liên lạc tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Công trình được hoàn thành và bàn giao cho Đồn Biên phòng Vĩnh Châu vào cuối năm 2014, gồm: 10 bộ đàm cầm tay, 1 bộ đàm cố định, 1 máy liên lạc tàu thuyền 12 băng, 1 máy Icom M700PRO… để liên lạc khi có bão; máy phát điện, 1 ổn áp, 2 bản đồ theo dõi áp thấp nhiệt đới, 1 máy điều hòa và nhiều vật dụng cần thiết khác. Tổng kinh phí 250 triệu đồng do cán bộ, công nhân, viên chức tỉnh Sóc Trăng đóng góp.
Theo ông Võ Hoàng Dũng, Chủ tịch LĐLĐ thị xã Vĩnh Châu, toàn thị xã hiện có 7 nghiệp đoàn, trong đó, có 3 nghiệp đoàn hải sản, gồm: Hải Ngư, Biển Trên và Mỹ Thanh, với gần 500 công đoàn viên (CĐV) tham gia. Trạm liên lạc đi vào hoạt động đã không ngừng phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng cho cứu hộ cứu nạn trên biển.
Quan trọng nhất, thông qua trạm liên lạc, ngành chức năng đã lồng ghép tuyên truyền việc bảo vệ, khẳng định chủ quyền biển đảo. Qua đó, nâng cao nhận thức cho ngư dân về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bên cạnh đó, ngư dân Sóc Trăng giờ đây có mô hình mới để các tàu có thể đánh bắt dài ngày, khai thác ngư trường xa có hiệu quả, đó là tổ chức các đội tàu gồm có cả tàu vận tải để chuyên chở lượng tôm cá đánh bắt được vào bờ tiêu thụ, giảm việc đi lại tiêu tốn nhiên liệu so với việc khai thác đơn lẻ như trước đây.
Hệ thống tàu vận tải ở Sóc Trăng trong 4 năm gần đây đã tăng khá nhanh, năm 2011 chỉ có 4 tàu chuyên vận tải, thì nay Sóc Trăng đã có đội tàu vận tải trên 20 chiếc hoạt động liên tục ở các ngư trường, góp phần giảm chi phí nhiên liệu cho các tàu khai thác xa bờ từ 30 – 50%, do ngư dân bám biển kéo dài thêm và giá trị sản phẩm khai thác cũng được nâng lên nhờ sản phẩm tươi sống.
Cùng với chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp phương tiện vươn ra xa bờ, phát triển đội tàu vận tải chuyên dụng, tỉnh Sóc Trăng đang tiến hành rà soát triển khai chính sách hỗ trợ này để vừa khai thác tài nguyên biển, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.