Hiện nay, để giúp ngư dân vượt qua khó khăn, an tâm bám biển, nhiều địa phương đã triển khai tích cực những chính sách hỗ trợ.
Ngư dân cần được cung cấp các thông tin về tình hình trên biển chính xác, kịp thời để yên tâm ra khơi
Hỗ trợ trực tiếp
Năm 2018, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã chi gần 36 tỷ đồng hỗ trợ nhiên liệu đợt 2 cho 288 tàu cá hoạt động xa bờ, hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành các thủ tục cấp phát, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi bám biển.
Ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thừa Thiên – Huế cho biết, điều kiện được hỗ trợ là các tàu hoạt động ở vùng biển xa, cách đảo Hoàng Sa, Trường Sa khoảng 20 – 30 hải lý; thời gian khai thác tính từ thời điểm tàu ra khỏi cửa biển đến khi trở về bờ là 15 ngày trở lên. Có nhiều kênh quản lý, định vị tàu hoạt động vùng biển xa, như xác nhận của lực lượng biên phòng ở Hoàng Sa, hoặc bằng công nghệ vệ tinh; tại các tàu trang bị máy “bấm điểm” thể hiện vị trí, tọa độ hoạt động. Tại Chi cục Thủy sản tỉnh còn có thêm thiết bị định vị nhằm quản lý, xác định vị trí của các tàu hoạt động trên biển…
Tại Quảng Nam, ông Nguyễn Đình Toàn, Trưởng phòng Khai thác và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) cho biết, ngành thủy sản tỉnh đã tham mưu Sở NN&PTNT đề xuất Bộ NN&PTNT đầu tư nhân lực, vật lực điều tra, quan trắc, phổ biến ngư trường, nguồn lợi ở các vùng biển này để ngư dân phát hiện nguồn hải sản lớn, thu được sản lượng hải sản cao hơn. Các ngành chức năng cần khẩn trương triển khai, qua đó giúp ngư dân ổn định đầu ra. Ngoài ra, các chủ tàu cần áp dụng công nghệ mới trong bảo quản hải sản để nâng cao giá trị kinh tế thu được.
Theo ông Đỗ Văn Khê, Giám đốc Sở NN&PTNT Trà Vinh, thời gian qua, cùng với việc tăng cường quản lý các tàu cá khai thác hải sản, tỉnh cũng thực hiện nhiều hoạt động, chính sách hỗ trợ ngư dân. Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, tỉnh đã giải ngân tổng số tiền hơn 142 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân đóng mới 11 tàu cá, mua bảo hiểm cho 281 tàu cá và gần 1.800 thuyền viên, hỗ trợ vận chuyển hàng hóa. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng hỗ trợ ngư dân xây dựng 34 mô hình liên kết khai thác – dịch vụ hậu cần gắn với hình thức sản xuất tổ, đội trên biển, với 240 chủ tàu tham gia; nhằm phát huy lợi thế, tương trợ nhau trong khai thác hải sản xa bờ, nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Giá trị cao từ tàu 67
Ông Ngô Đức Xuyên ở thị trấn Phú Thuận (Phú Vang, Thừa Thiên – Huế) chia sẻ, từ khi có điều kiện vươn khơi, đến vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa thì hiệu quả khai thác cao rõ rệt. Các loại hải sản đánh bắt đều có giá trị kinh tế cao như thu, chủa, cờ, ngừ đại dương… Nhiều chuyến biển kéo dài cả tháng, đánh bắt từ 5 đến 10 tấn cá, lãi từ vài trăm triệu đồng trở lên. Riêng năm 2018, bình quân mỗi chuyến biển, tàu ông cũng như nhiều tàu trên địa bàn lãi 300 triệu đồng. Tương tự, ngư dân Trần Quân ở thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An (Phú Vang, Thừa Thiên – Huế), vay 9 tỷ đồng đóng tàu vỏ gỗ theo NĐ 67. Anh Quân cho biết, đến nay sau hai năm đưa tàu vào khai thác, đa số các chuyến đánh bắt hải sản đều có lãi. Mỗi chuyến khai thác hải sản ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa có thời gian hai tuần, trung bình anh lãi 100 triệu đồng.
Tại nhiều tỉnh ven biển, những con “tàu 67” khai thác xa bờ cũng mang lại giá trị thủy sản lớn cho chủ tàu và ngư dân. Tại Ninh Thuận, theo UBND xã Thanh Hải, toàn xã có 9 “tàu 67” vỏ composite, trong có 8 chiếc hoạt động khai thác thủy sản và 1 chiếc làm dịch vụ hậu cần. Lãnh đạo xã Thanh Hải xác nhận, từ khi các “tàu 67” hạ thủy liên tục bám biển và đánh bắt có hiệu quả, góp phần đưa sản lượng khai thác tăng lên.
Vừa có chuyến biển cập cảng Mỹ Tân, xã Thanh Hải cách đây vài ngày, ngư dân Nguyễn Văn Vinh, chủ “tàu 67” số hiệu NT 91359 TS, hành nghề lưới vây rút chì phấn khởi nói: “Chuyến biển này tàu đi hơn 10 ngày được 15 tấn cá, chủ yếu cá nục, bán với giá 24.000 – 25.000 đồng/kg, doanh thu gần 400 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 200 triệu, các bạn tàu rất phấn khởi”. Tàu được hạ thủy vào cuối năm 2017 và vươn khơi đánh bắt đầu năm 2018, tuy nhiên đến nay doanh thu đạt gần 5 tỷ đồng. Nhờ vậy, 18 bạn tàu được chia tiền trung bình mỗi người có 80 triệu đồng. Hay như “tàu 67” số hiệu NT 91297 TS của ngư dân Nguyễn Văn Tâm, cùng địa phương, từ đầu năm đến nay vươn khơi cũng đạt doanh thu hơn 4 tỷ. Sau khi trừ chi phí còn lãi 2,7 tỷ, bạn tàu được chia lợi nhuận 60 – 70 triệu đồng/người.
>> Theo Tổng cục Thủy sản, sản lượng thủy sản khai thác 9 tháng đầu năm 2018 ước 2.578,5 nghìn tấn, tăng 5,2% so cùng kỳ năm 2017 (quý III đạt 809,8 nghìn tấn, tăng 5,5%), trong đó, cá đạt 1.887,6 nghìn tấn, tăng 5,7%; tôm đạt 126,4 nghìn tấn, tăng 2,8%. |