(TSVN) – Theo số liệu mới công bố của Bộ NN&PTNT, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 20,26 tỷ USD, giảm 11,1% so cùng kỳ năm trước. Hoạt động giao thương nhóm ngành này dự báo còn gặp nhiều khó khăn, nhưng sản xuất trong nước vẫn cần được duy trì để đón cơ hội thị trường hồi phục. Do đó, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng đang rất cần nguồn vốn để duy trì sản xuất cũng như các chính sách được giãn trả nợ, giảm thuế, phí để có thể vượt qua khó khăn hiện nay.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho rằng, dù lãi suất thời gian qua có giảm nhưng nhìn chung vẫn còn ở mức khá cao. Điều này khiến doanh nghiệp ngành tôm dù đang rất cần vốn nhưng vẫn hết sức dè dặt do xuất khẩu đang gặp khó và giá bán liên tục giảm mạnh. Ngay cả gói hỗ trợ 10.000 tỷ đồng dù chưa biết khi nào sẽ triển khai nhưng theo ông Quang với mức lãi suất lên đến 9,5%/năm thì doanh nghiệp ngành tôm cũng sẽ không dám vay. Ông Quang chia sẻ: “Lợi nhuận của doanh nghiệp ngành tôm vốn dĩ đã khá thấp, nay thêm tình trạng lạm phát, tiêu thụ khó khăn, giá bán giảm liên tục thì với mức lãi suất trên doanh nghiệp sẽ không dám vay, bởi chưa vay đã thấy lỗ ngay trước mắt”.
Trong khi lãi suất VNĐ vẫn còn ở mức cao thì lãi suất USD cũng đã tăng lên đến 4%/năm. Theo doanh nghiệp ngành tôm, nếu so sánh giữa hai mức lãi suất trên, thì việc vay bằng USD dẫu sao cũng có phần nhẹ hơn. Tuy nhiên, mức lãi suất này vẫn được xem là khá cao, phải khéo lắm mới có thể có được lợi nhuận vì tiêu thụ tôm hiện đang rất chậm và giá rất thấp. Dù mức lãi suất đã cao, nhưng theo các doanh nghiệp, muốn vay bằng USD hiện cũng đang gặp khó, nhất là đối với những doanh nghiệp đang còn nợ do không xuất được hàng, tồn kho lớn.
Theo các doanh nghiệp, trước tình hình giá tôm thế giới giảm kéo dài ngoài dự kiến, nên doanh nghiệp buộc phải giảm giá thu mua để có thể duy trì hoạt động, khó khăn bắt đầu lan sang người nuôi, khiến nhiều hộ nuôi không dám thả giống vì sợ thua lỗ.
Nếu như doanh nghiệp cần vốn nhưng không dám vay vì ngại thua lỗ thì người nuôi, nhất là các hộ nuôi nhỏ lẻ gần như không thể tiếp cận được nguồn vốn này. Ngay cả nguồn vốn 10.000 tỷ đồng từ gói hỗ trợ của Chính phủ theo ông Quang, người nuôi và cả cơ sở sản xuất tôm giống cũng khó có thể tiếp cận được. Ông Quang dẫn chứng: “Ngay như các đơn vị nuôi tôm, sản xuất giống trực thuộc Minh Phú, dù công ty có đứng ra bảo lãnh thì ngân hàng cũng không cho vay. Nguyên nhân chủ yếu là do nghề nuôi vốn có quá nhiều rủi ro, nay rủi ro đó càng lớn nữa khi giá tôm đã giảm xuống dưới mức giá thành”.
Chuyện người nuôi tôm khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã tồn tại từ lâu, nhưng sở dĩ nhiều năm qua họ vẫn có thể sản xuất được là nhờ có sự hỗ trợ đầu tư bán hàng trả chậm từ các đại lý. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hầu như các đại lý cũng bắt đầu co cụm lại, không còn mạnh dạn đầu tư cho người nuôi như trước nữa. Ông Võ Văn Khải, Giám đốc HTX Chiến Thắng ở xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, than thở: “Bây giờ đại lý không còn bán nợ tới thu hoạch mới trả nữa vì giá tôm quá thấp, người nuôi đạt năng suất kha khá mà còn lỗ nữa thì ai dám đầu tư. Mà bây giờ có đầu tư cũng có rất ít người dám nuôi do chưa biết giá tôm tới bao giờ mới tăng trở lại”.
Có thể thấy, đến thời điểm hiện tại, cả doanh nghiệp và người nuôi tôm đều đang gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn sản xuất, kinh doanh, nhưng một mặt, họ cũng hết sức đắn đo, chưa dám mạnh dạn vay vốn vì chưa nhìn thấy điểm sáng từ thị trường tiêu thụ. Theo các hộ nuôi tôm, với việc giá tôm giảm hơn 30% chỉ trong thời gian ngắn gần đây, cộng thêm vụ nuôi gặp khó về dịch bệnh, thời tiết nên phần lớn đã ngừng nuôi. Tuy nhiên, theo quy luật nhiều năm cho thấy, chỉ cần giá tôm khởi sắc trở lại là nguồn vốn lại đổ về cho người nuôi tôm, tiến độ sản xuất sẽ lại tăng lên.
Xuân Trường