Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi tiếp đoàn Ủy ban Nghề cá Nghị viện châu Âu do ông Mato Gabriel, nghị sĩ, phát ngôn Ủy ban Nghề cá dẫn đầu.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn Ủy ban Nghề cá Nghị viện châu Âu
Đánh giá cao việc Ủy ban châu Âu (EC) chính thức thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu xem xét chấp thuận ký chính thức Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Thủ tướng nhấn mạnh, Nghị viện châu Âu đóng vai trò quan trọng trong cơ chế ra quyết định của EU. Vì vậy, Việt Nam mong muốn nhận được sự ủng hộ của Nghị viện châu Âu và cá nhân ông Mato Gabriel cùng các nghị sĩ trong đoàn, thúc đẩy ký kết và phê chuẩn Hiệp định trong thời gian sớm nhất.
Ông Mato Gabriel cho biết, các thành viên sang thăm Việt Nam lần này mong muốn tìm hiểu và chia sẻ với Việt Nam kinh nghiệm trong kiểm soát việc đánh bắt cá trái phép và khẳng định, EU sẵn sàng hợp tác với mọi quốc gia trong lĩnh vực này. Ông Mato Gabriel cũng đánh giá cao Việt Nam đạt nhiều kết quả tích cực trong việc chống đánh bắt cá trái phép thời gian qua, trong đó có việc ban hành, triển khai nhiều quy định pháp lý quan trọng. Đồng thời hy vọng, các hoạt động của đoàn lần này tại Việt Nam sẽ đạt kết quả tốt để làm cơ sở đề nghị EC gỡ bỏ “thẻ vàng” với Việt Nam.
Tại buổi tiếp đoàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam tích cực triển khai chương trình hành động quốc gia về chống đánh bắt cá bất hợp pháp. Việt Nam coi việc cảnh báo “thẻ vàng” của EC là cơ hội để chuyển đổi từ nghề cá nhân dân sang nghề cá phát triển bền vững, có trách nhiệm và đang nỗ lực triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” một cách hiệu quả nhất và phù hợp nhất với tình hình thực tế.
Theo đó, Việt Nam đã ban hành Luật Thủy sản, xây dựng các văn bản dưới Luật, triển khai chương trình hành động quốc gia về chống đánh bắt các bất hợp pháp, đẩy mạnh tuyên truyền đến các địa phương và ngư dân tuân thủ tốt các quy định pháp luật.
Đến nay, Việt Nam đã đạt kết quả ở 4 nhóm vấn đề, gồm: Sửa đổi khung pháp lý, đặc biệt là Luật Thủy sản được ban hành ngày 21/11/2017; tăng cường hệ thống theo dõi, giám sát, kiểm soát hoạt động tàu cá; tăng cường triển khai thực thi pháp luật, trong đó tổ chức nhiều hội nghị để đẩy mạnh tuyên truyền đến ngư dân và các địa phương; sửa đổi, hoàn chỉnh công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác.
Với kết quả đó, Thủ tướng đề nghị ông Mato Gabriel và đoàn ủng hộ để EC xem xét tích cực nỗ lực của Việt Nam, sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU. Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện để đoàn thăm và làm việc đạt kết quả tốt tại Việt Nam.
Nhân dịp này, Thủ tướng hoan nghênh những tuyên bố của EU và nghị quyết gần đây của Nghị viện châu Âu về vấn đề Biển Đông và an ninh hàng hải; đề nghị Nghị viện châu Âu tiếp tục ủng hộ giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc và Luật Biển năm 1982.