(TSVN) – Nhằm ổn định đời sống người dân và khôi phục hoạt động sản xuất, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi UBND các tỉnh vừa hứng chịu thiên tai, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, các Bộ, ngành liên quan để khắc phục hậu quả mưa lũ.
Trong Công điện hỏa tốc, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, những ngày qua tại khu vực miền Trung đã xảy ra mưa lớn, tổng lượng mưa phổ biến 200 – 500 mm, có nơi tới trên 750 mm. Đây là đợt mưa lũ bất thường ngay giữa mùa khô, kèm theo dông lốc, sóng lớn đã gây thiệt hại về người, nhà cửa, đặc biệt là thiên tai và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, thủy sản, nhất là tại các tỉnh: Bình Định và Phú Yên.
Tại Phú Yên, theo báo cáo nhanh từ các địa phương, mưa lũ đã khiến hai người mất tích do lốc xoáy khi trên ghe ra lồng bè nuôi tôm hùm để cho tôm ăn (xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, Phú Yên); 92 tàu cá bị chìm và hư hỏng, 2.450 lồng bè nuôi tôm hùm bị thiệt hại. Ngoài ra, còn có 13.484 ha lúa, 292 ha hoa màu bị ngập, ngã đổ. Hiện các địa phương đang tiếp tục thống kê thiệt hại.
Còn tại Quảng Bình, theo Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, mưa lũ trái mùa những ngày qua đã khiến hơn 5.900 ha lúa đông xuân của tỉnh đang trong giai đoạn chuẩn bị trổ đòng bị ảnh hưởng; hàng trăm ha rau màu bị ngập, gãy đổ; 35 giàn nuôi hàu, 62 lồng cá bị ngập, hư hỏng. Ước tính tổng giá trị thiệt hại toàn tỉnh hơn 57 tỷ đồng. Đến nay mặc dù đã hết mưa nhưng các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy vẫn còn nhiều diện tích lúa và hoa màu bị ngập sâu trong nước.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho rằng, đợt mưa vừa xảy ra là hiện tượng lạ. Vì có những năm bão rất lớn, bà con vẫn vào neo đậu bình thường nhưng năm nay, gió mới cấp 7, cấp 8, nhưng có xoáy lốc, làm chìm nhiều tàu thuyền. Toàn tỉnh có 55 phương tiện đánh bắt thủy sản bị chìm.
Nhiều phương tiện thủy sản bị hư hỏng do sóng lớn. Ảnh: Văn Thanh
Tại Thừa Thiên Huế, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết đợt lũ dị thường từ ngày 31/3 đến 3/4 đã làm địa phương này thiệt hại khoảng 1.103 tỷ đồng, trong đó ngành nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề nhất với trên 935 tỷ đồng.
Trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Cùng đó, tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ nghèo, khó khăn, gia đình có người bị nạn; huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, tập trung sửa chữa lại nhà cửa, gia cố lồng bè, trục vớt tàu thuyền, xử lý môi trường sau lũ, khôi phục sản xuất nông nghiệp…
Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ NN&PNT, Công thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao phối hợp địa phương chỉ đạo điều tiết các hồ thủy lợi, thủy điện bảo đảm vận hành khoa học, hiệu quả, an toàn tuyệt đối cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du; Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó…
Hiện nay, các địa phương vẫn đang tiếp tục khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn, đồng thời đề xuất trung ương hỗ trợ các giống lúa, hoa màu để người dân nhanh chóng tái sản xuất.
PV