Thị trường trong nước gặp khó do phải cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu giá rẻ, trong khi thị trường xuất khẩu bị gián đoạn vì dịch Covid-19, nên dù được đánh giá là có chất lượng cao nhất, đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, truy xuất nguồn gốc dễ dàng và đã có chỉ dẫn địa lý, nhưng trứng bào xác artemia của Vĩnh Châu (Sóc Trăng) vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ khiến giá giảm mạnh.
Artemia Vĩnh Châu được đánh giá có chất lượng cao nhất thế giới, nhưng do đây là nguồn nguyên liệu chủ yếu dùng làm thức ăn cho sản xuất giống thủy sản nên giá artemia phụ thuộc rất lớn vào giá bán của một số loại giống thủy sản. Đơn cử như trước đây, giá cua biển giống lên đến 1.200 đồng/con, còn giá con giống tôm càng xanh năm 2019 cao nhất lên đến 800 đồng/con, thấp nhất cũng được 560 đồng/con, nên các cơ sở sản xuất cua giống, tôm càng xanh giống luôn chọn mua trứng bào xác artemia của Vĩnh Châu để đảm bảo tỷ lệ sống của con giống cao và con giống khỏe mạnh. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, giá cua giống chỉ còn 180 đồng/con, còn tôm càng xanh giống chỉ khoảng 110 đồng/con (khuyến mãi thêm cho lái 20%) nên các cơ sở sản xuất giống thủy sản nói chung và cua biển, tôm càng xanh giống nói riêng phần lớn đều chuyển sang sử dụng trứng artemia của Trung Quốc do có giá rẻ hơn để đảm bảo hiệu quả.
Ông Lai Ca Lãnh – thành viên HTX Artemia Vĩnh Châu kiểm tra mật số artemia trong ao sau 1 tuần thả nuôi. Ảnh: Tích Chu
Trứng artemia của Vĩnh Châu đến thời điểm hiện tại vẫn được đánh giá là có chất lượng cao nhất nhưng theo các cơ sở sản xuất giống lớn, hiện nay nếu sử dụng trứng artemia Vĩnh Châu họ sẽ không có lời, chỉ khi nào giá con giống tăng thêm khoảng 200 đồng/con trở lên họ mới dám quay lại sử dụng trứng artemia của Vĩnh Châu. Chính sự quay lưng của các cơ sở sản xuất giống thủy sản đã làm cho việc tiêu thụ trứng artemia Vĩnh Châu gặp rất nhiều khó khăn. Dù đã giảm từ 1,8 triệu đồng/lon (425 gram/lon) xuống còn 1,3 triệu đồng/lon nhưng việc tiêu thụ vẫn đang hết sức khó khăn vì giá trứng artemia của Trung Quốc hiện chỉ khoảng 700.000 đồng đến 1 triệu đồng/lon. Chẳng những vậy, hiện họ còn ấp nở thành Nauplius mới xuất bán nên các cơ sở sản xuất giống chỉ việc mua về làm thức ăn cho con giống ngay mà không phải tốn công và chi phí cho giai đoạn ấp nở.
Năm 2020, sản phẩm trứng artemia của Vĩnh Châu được tiêu thụ chủ yếu qua con đường xuất khẩu sang Nhật Bản, nhưng năm nay do đơn vị nhập khẩu bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hợp tác xã (HTX) chỉ xuất được 2 đợt rồi tạm ngưng và chưa cho biết đến khi nào họ mới nhập khẩu trở lại. Hiện HTX Artemia Vĩnh Châu đang tồn khoảng 500 kg trứng artemia, tuy không phải là nhiều nhưng đối với HTX là hơi nặng vì giá trứng artemia hiện tiếp tục lao dốc. Không chỉ có HTX ở Vĩnh Châu mà HTX ở Bạc Liêu và một số doanh nghiệp khác hiện vẫn tồn khá lớn lượng trứng artemia, nên tình trạng đại hạ giá đang diễn ra, nhưng cũng rất khó bán vì theo cơ sở sản xuất giống, với giá đầu ra con giống cua biển, tôm càng xanh như hiện nay nếu sử dụng trứng artemia của trong nước hay của Mỹ vẫn chưa có lời.
Trung Quốc là nước sản xuất trứng artemia lớn nhất, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và cuộc chiến thương mại với Mỹ nên ngành sản xuất giống thủy sản của họ bị đình trệ kéo theo việc tiêu thụ trứng artemia giảm mạnh, lượng tồn kho nhiều, nên hiện trứng artemia của Trung Quốc đang tràn ngập thị trường Việt Nam với giá rất rẻ, chỉ khoảng 500.000 đồng/lon. Trong khi đó, do giá muối thấp cùng với việc thiếu hụt lao động làm muối nên hầu hết diện tích muối ở Vĩnh Châu năm nay đều chuyển sang nuôi artemia. Do đó, theo nhận định của các HTX cũng như các doanh nghiệp kinh doanh trứng artemia, giá trứng artemia tại Vĩnh Châu năm nay nông dân chỉ bán được cao nhất khoảng 700.000 – 800.000 đồng/kg trứng tươi, tức thấp hơn năm ngoái khoảng 300.000 – 400.000 đồng/kg.
Theo ông Lai Ca Lãnh – thành viên HTX Artemia Vĩnh Châu, nghề nuôi artemia này chủ yếu là kinh nghiệm của người nuôi và chuyện thắng hay thua lại phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. “Năm rồi, tui là người nuôi đạt năng suất cao nhất khi đạt 120 kg/ha. Với mức giá này, nếu người nuôi đạt năng suất 100 kg/ha thì mức lợi nhuận cũng chỉ 50 – 60 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, do diện tích nuôi artemia của mỗi xã viên bình quân chỉ từ 1 – 3 ha nên để trang trải chi phí gia đình trong cả năm là hơi chật vật” – ông Lãnh cho hay. Hiện diện tích nuôi artemia của Vĩnh Châu tập trung chủ yếu ở phường Vĩnh Phước và xã Lai Hòa với khoảng 120 ha.
Thị trường trong nước hiện gặp khó, chủ yếu là do đầu ra một số loại con giống sử dụng trứng artemia Vĩnh Châu lớn như cua biển, tôm càng xanh… đang giảm mạnh. Trước đây, nếu chênh lệch giá giữa artemia Vĩnh Châu với của Mỹ khoảng 200.000 đồng/lon là nhà sản xuất giống đã sử dụng artemia của Vĩnh Châu, nhưng hiện tại chỉ một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống chấp nhận giảm lợi nhuận nhằm duy trì chất lượng, uy tín thương hiệu mới dám sử dụng artemia Vĩnh Châu. Riêng thị trường xuất khẩu, theo đánh giá khó khăn chỉ là nhất thời do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên nhìn chung triển vọng nghề nuôi artemia trong tương lai vẫn rất sáng sủa. Điều này được minh chứng qua việc chỉ riêng thị trường cá cảnh và cá biển giống ở Nhật Bản mỗi năm tiêu thụ khoảng 10 tấn trứng bào xác artemia và thị trường này lại rất chuộng chất lượng, nên hàng Vĩnh Châu luôn được tiêu thụ tốt ở thị trường này. Năm ngoái, HTX xuất được 600 kg artemia sang Nhật Bản, được họ đánh giá rất cao về mặt chất lượng.