T2, 06/07/2020 01:59

“Tàu 67” tại Sóc Trăng: Hiệu quả nhưng vẫn khó

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ đóng mới đưa vào hoạt động 4 tàu vỏ gỗ khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá và 1 tàu vỏ gỗ được nâng cấp vỏ tàu và thay máy chính. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, vẫn còn những bất lợi nhất định cần phải tháo gỡ.

Tàu lớn hơn, hiệu quả hơn

Theo ông Lê Minh Trường, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, ngay sau khi Nghị định 67 có hiệu lực, để sớm đưa các chính sách hỗ trợ đến ngư dân, Sở NN&PTNT phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 70/KH-UBND, ngày 14/11/2014, về đóng mới, nâng cấp tàu cá khai thác và tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.  

Tháng 4/2016, 4 tàu vật liệu vỏ gỗ được đóng mới đã hoàn thành đưa vào hoạt động, với tổng công suất 2.616 CV và 1 tàu vỏ gỗ được nâng cấp vỏ tàu và thay máy chính. Tổng số vốn vay đóng mới 4 tàu cá được Ngân hàng NN&PTNT Sóc Trăng giải ngân 24 tỷ đồng (6 tỷ đồng/tàu); vốn vay cho tàu nâng cấp thay máy là 800 triệu đồng, được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh tỉnh Sóc Trăng giải ngân. Ngay sau khi hoàn thành, các chủ tàu đã nhanh chóng cho tàu ra khơi khai thác, làm dịch vụ để sớm có thu nhập, hoàn trả nợ vay.

Anh Phạm Văn Mẫm, chủ tàu ST 92567 TS, chuyên hành nghề lưới vây ánh sáng công suất đóng mới 650 CV chia sẻ: “Trước đây tôi hành nghề cào đôi, chi phí rất lớn, nên mỗi khi giá cả xăng dầu, hay sản phẩm khai thác biến động mạnh là rất dễ thua lỗ. Hơn nữa, sản lượng khai thác bằng nghề cào đôi mỗi ngày một giảm, làm biến động hệ sinh thái đáy biển mạnh nên tôi cũng muốn đổi nghề. Vì vậy, khi có Nghị định 67 tôi đăng ký ngay để có được tàu lớn hơn, công suất mạnh hơn, đủ sức vươn khơi, bám biển dài ngày và hiệu quả tăng lên rõ rệt sau 5 năm đi vào hoạt động”. Cũng theo anh Mẫm, nhờ tàu lớn, công suất mạnh nên bình quân mỗi năm anh chỉ ra khơi khoảng 15 chuyến là đủ. 

“Tàu 67” tại Sóc Trăng – Ảnh: XT

Trong số 4 tàu đóng mới theo Nghị định 67 chỉ có mỗi tàu anh Mẫm là làm nghề khai thác, còn lại 3 tàu công suất từ 650 – 666 CV là chuyên làm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển. Vì vậy, số lượt ra khơi của các tàu này trong năm cũng nhiều hơn so với tàu của anh Mẫm. Ông Trần Minh Thành, chủ tàu ST 01369 TS chuyên làm dịch vụ cho biết: “Bình quân mỗi năm tàu của tôi ra khơi khoảng 185 chuyến nên hiệu quả hoạt động vì thế cũng rất cao. Cũng nhờ được vay vốn đóng tàu lớn, máy mạnh nên thời gian ra vào rất ngắn, giúp sản phẩm giữ được tươi ngon, bán được giá cao hơn”. Còn chủ tàu dịch vụ ST 98479 TS cũng lạc quan không kém: “Mặc dù chi phí đầu tư đóng mới hơn 9 tỷ đồng (trong đó vay ngân hàng 6 tỷ – PV) nhưng bù lại hiệu quả hoạt động cao nên sau khi làm nghĩa vụ vay vốn ngân hàng, mỗi năm mình cũng có lãi kha khá so với trước”.

 

Hỗ trợ ngư dân tốt hơn

Tuy nhiên, không phải tàu đóng mới theo Nghị định 67 nào cũng hoạt động hiệu quả, bởi mỗi người một cung cách quản lý, làm ăn khác nhau. Điển hình như tàu dịch vụ số ST-999…-TS mỗi năm chỉ xuất bến bình quân được 80 chuyến, không đủ thu nhập để bù đắp cho các khoản phải thanh toán trong năm nên nằm trong diện thua lỗ, không trả được nợ vay, hiện đang được ngân hàng tiến hành các thủ tục xử lý nợ theo quy định. Vị chủ tàu này than thở: “Do số tiền vay quá lớn nên chi phí phải thanh toán là rất lớn, trong khi việc cạnh tranh làm dịch vụ ngày càng gay gắt nên thu không đủ chi dẫn đến thua lỗ liên tục, lâm vào nợ xấu”.

Đánh giá về tính hiệu quả của Nghị định 67 sau 5 năm triển khai thực hiện, ông Lê Minh Trường cho rằng, việc thực hiện cũng bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc như: dù được vay vốn với lãi suất thấp, nhưng do quy định việc đóng mới, nâng cấp máy móc thiết bị bắt buộc phải là mới 100%, làm phát sinh chi phí đầu tư lớn, kéo theo nguồn vốn vay lớn, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của chủ tàu. Cũng cần nói thêm là 4 tàu đóng mới của Sóc Trăng ban đầu đều đăng ký hành nghề khai thác lưới vây, nhưng do quá trình hoạt động không có hiệu quả, đã có 3 tàu xin chuyển sang nghề dịch vụ hậu cần. Ông Trường cho biết thêm: “Chúng ta đều biết, trong những năm gần đây nghề khai thác biển chịu nhiều tác động từ thời tiết đến giá dầu tăng, chi phí chuyến biển tăng làm giảm lợi nhuận. Đặc biệt, tình trạng khan hiếm lao động nghề cá cũng ảnh hưởng đến hoạt động khai thác hải sản của chủ tàu khiến một số tàu khai thác không hiệu quả”.

>> Ngoài chính sách hỗ trợ đóng mới, nâng cấp, Sóc Trăng còn triển khai một số chính khác theo Nghị định 67, như: chính sách bảo hiểm với tổng số tiền sau 5 năm gần 6,3 tỷ đồng; chính sách đào tạo vận hành tàu, hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới… Đặc biệt, các tàu làm dịch vụ còn được hỗ trợ 225 chuyến biển với tổng số tiền đề nghị hỗ trợ khoảng 9 tỷ đồng.

Mai Trường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!