Chủ các tàu cá tốn cả 100.000 USD đưa tàu đi nước ngoài hoạt động nhưng bị bắt giữ vì hoạt động trái phép. Về nước, các tàu cá đã nằm bờ hơn một năm qua do chưa “nhập tịch” Việt Nam được.
Hai ông Trương Văn Ngữ và ông Trần Hon (Rạch Giá, Kiên Giang) đang đứng ngồi không yên khi tám chiếc tàu công suất 1.500 mã lực, có thiết kế và trang bị hiện đại trị giá 8-10 tỉ đồng/tàu phải nằm bờ hơn một năm qua. Đáng nói, trước đó mỗi ông đã tốn kém cả 100.000 USD lo thủ tục cho tám tàu trên đi đánh bắt ở Indonesia song vẫn bị cảnh sát nước bạn bắt giữ tàu, thuyền viên, tịch thu ngư cụ…
Bị lừa?
Theo thỏa thuận hợp tác khai thác thủy sản tại vùng biển của Indonesia giữa Chính phủ Việt Nam và Indonesia, cuối tháng 8-2013 tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ trao giấy phép đưa tám tàu cá của ông Trương Văn Ngữ và ông Trần Hon đi khai thác hải sản ở vùng biển nước bạn. Tuy nhiên, vào đầu tháng 1-2014, khi ông Ngữ, ông Hon đánh bắt thủy sản tại vùng biển hợp tác thì bị cảnh sát biển Indonesia bắt giữ bốn tàu và 61 thuyền viên. Bộ Ngoại giao Indonesia thông báo bốn tàu cá cùng số ngư dân trên bị bắt giữ là do vi phạm tọa độ theo luật đánh bắt thủy sản của nước sở tại, sử dụng bất hợp pháp thiết bị kéo lưới đôi và đánh bắt khi chưa được phép.
Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Kiên Giang (thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang), việc đưa tàu cá đi hợp tác đánh bắt ở nước ngoài hợp pháp là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân. Tuy nhiên, quá trình thực hiện có một số sai phạm, đặc biệt phía đơn vị làm thủ tục đưa các tàu đi ra nước ngoài (Công ty Cổ phần Đầu tư Đại Dương) đã cho tàu đi khai thác ở nước bạn trong khi chưa được phía Indonesia cấp phép.
Các tàu cá hiện đại phải nằm bờ trong thời gian dài, gây thiệt hại lớn cho các ngư dân – Ảnh: KG
Điều đáng nói là ông Ngữ và ông Hon đã đóng cho Công ty Đại Dương 90.000 USD để làm hồ sơ, thủ tục đưa các tàu đi khai thác hợp pháp ở Indonesia. Ngoài ra, sau ba tháng đánh bắt, hai chủ tàu cá phải đóng thêm 30.000 USD cho công ty trên.
Liên quan đến vụ việc này, Công an tỉnh Kiên Giang đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tiếp tục điều tra Công ty Đại Dương.
Về Việt Nam lại nằm bờ
Sau gần một năm bị bắt, hai chủ tàu và các đơn vị có liên quan đã nỗ lực chuộc tàu và các thuyền viên trở về Việt Nam. Theo ông Ngữ, sau khi đưa tàu về Việt Nam, ông phải đầu tư sửa chữa, mua trang thiết bị ngư lưới cụ gần 2 tỉ đồng. Còn ông Hon đã phải vay mượn nhiều nơi để sửa chữa, mua sắm lại lưới cụ (vì khi bị bắt, nước sở tại tịch thu) với số tiền hơn 3 tỉ đồng. “Tuy nhiên, hiện chúng tôi vẫn không được phép đưa tám chiếc tàu trên ra khơi đánh bắt ở Việt Nam. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài làm các thiết bị trên tàu hư hỏng, chúng tôi lại phải tốn kém sửa chữa” – hai chủ tàu lo lắng.
Theo hai ông, tám chiếc tàu trên (được phía Việt Nam cho phép khai thác ở vùng biển Indonesia) vẫn chưa được phép hoạt động ở Việt Nam vì chúng đang mang quốc tịch Indonesia. Số là trước đó, hai ông ký hợp đồng với Công ty Đại Dương để công ty này tiếp tục thỏa thuận với Công ty Pa Pua (Indonesia) đưa tàu qua Indonesia đánh bắt hợp pháp. Sau đó tám chiếc tàu này đã được “nhập tịch” Indonesia mới được vào nước họ đánh bắt.
Tuy nhiên, dù đã là “tàu Indonesia” nhưng các tàu cá của ông Ngữ, ông Hon vẫn bị bắt giữ như đã nêu. Sau đó khi được “giải cứu” mang trở về Việt Nam thì các tàu này vẫn còn quốc tịch Indonesia. Trong khi đó, pháp luật Việt Nam cũng quy định nếu muốn đánh bắt trên vùng biển nước Việt Nam thì tàu phải làm thủ tục đổi qua quốc tịch Việt Nam. Ông Ngữ cho biết ông liên hệ với Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) thì được trả lời Công ty Đại Dương không làm các thủ tục cần thiết để cơ quan chức năng cấp phép cho các hoạt động ở Việt Nam. Tìm gặp Công ty Đại Dương thì công ty này “đổ” về phía tổng cục. “Cứ thế, họ đùn đẩy trách nhiệm và phần thiệt thuộc về phía chúng tôi. Gần đây Tổng cục Thủy sản đề nghị đến ngày 30/5, Công ty Đại Dương phải hoàn tất thủ tục để họ cấp phép khôi phục tám chiếc tàu được khai thác trên vùng biển Việt Nam. Thế nhưng đến nay Công ty Đại Dương vẫn không có động thái gì” – ông Ngữ bức xúc.
>> Đề nghị sớm cho tàu cá khai thác Trước đây, các chủ tàu đã ủy quyền cho Công ty Đại Dương làm thủ tục cho tám tàu đi khai thác ở vùng biển nước ngoài. Do vậy việc cấp giấy phép đăng ký, đăng kiểm cho các tàu cá hoạt động trở lại ở Việt Nam phải phụ thuộc phía Công ty Đại Dương. Tuy vậy, chúng tôi đã kiến nghị Tổng cục Thủy sản thông báo kết thúc khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam đối với tám tàu cá trên. Việc này nhằm giảm bớt những khó khăn và thiệt hại cho chủ tàu và người lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho họ sớm đưa tàu vào hoạt động trở lại. Chúng tôi đề nghị xem xét trường hợp đặc biệt này, đơn giản hóa thủ tục nhưng đến nay đã hơn hai tháng Tổng cục Thủy sản vẫn chưa trả lời. Ngư dân đầu tư một con tàu với số tiền cả chục tỉ đồng để đánh bắt ngoài khơi xa, thậm chí hợp tác đánh bắt vùng biển nước ngoài. Thế nhưng họ đã bị bắt, tốn nhiều chi phí. Đến khi về nước lại vẫn chưa cho phép hoạt động. Do vậy các đơn vị trung ương cần xem xét, giải quyết để các tàu cá này sớm hoạt động. Ông Nguyễn Quốc Trường, Trưởng phòng Quản lý khai thác thủy sản, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Kiên Giang |