T2, 06/07/2020 12:22

Tàu cá Trung Quốc tàn phá thủy sản châu Phi

Chưa có đánh giá về bài viết

Các tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động trái phép ngoài khơi vùng biển Guinea, đang làm cạn kiệt thủy sản và hủy hoại các dạng đời sống hải dương. Bất chấp những hệ quả từ kinh tế và xã hội liên quan đến đánh bắt cá trái phép, Chính phủ Guinea vẫn thất bại trong việc bảo vệ các vùng biển, bởi nước này không có nhiều tiền để trang bị các thiết bị giám sát.

Khai thác trái phép

Quỹ Công lý môi trường (EJF), một tổ chức phi chính phủ đặt trụ sở tại Vương quốc Anh, cho biết, những vùng biển của Tây Phi là nơi diễn ra mức độ khai thác thủy hải sản cao nhất thế giới. EJF công bố: “Hơn 1/3 tổng lượng cá khai thác tại Tây Phi đều là đánh bắt trái phép”. Ông Steve Trent, người đứng đầu EJF quả quyết: “Những nhà hoạt động khai thác cá trái phép đang “cướp cơm” của những cư dân nghèo nhất trên hành tinh chúng ta, nhằm cung cấp lợi nhuận ngắn hạn cho những tay đánh bắt cá giàu sụ”. Ông Steve Trent giải thích rằng, chính sự quản lý yếu kém, lỏng lẻo của Chính phủ, tài nguyên thiên nhiên nghèo nàn và nạn tham nhũng hoành hành là căn nguyên diễn ra nạn khai thác cá vô tội vạ. Và Guinea là một trong những minh chứng tồi tệ nhất. Đây là quốc gia duy nhất ở châu Phi bị cấm xuất khẩu cá sang châu Á. Mức độ đánh bắt cá trái phép ở nước này đặc biệt cao, và EU nói rằng Chính phủ Guinea “đã không thể hiện đúng cam kết để cải cách”.

khai thác thủy sản vùng biển Guinea

Ngư dân Guinea vẫn khai thác cá trên những chiếc xuồng gồ bé tí hon – Nguồn: dobsfulbright.wordpress

Tại chợ cá ở Conakry, ông Aboubacar Kaba, người đứng đầu Liên minh nghề cá Artisanal (AFU), đang lấy một con cá màu bạc có kích thước bằng cẳng tay đằng sau một chiếc xe đông lạnh. Aboubacar nói con cá này là mặt hàng bị khai thác bất hợp pháp nhiều nhất và khẳng định: “Đây là loài cá được đánh giá cao nhất ở châu Á: cá đù vàng”. Loài cá này đang nằm trong danh sách đặc biệt nguy cấp, nó được báo cáo đã hoàn toàn biến mất ở vùng biển Trung Quốc do nạn khai thác quá mức.

Thương nhân Aboubacar Kaba kể: “Năm 2008, mới có 14 tàu đánh cá xuất hiện ở vùng biển này, nhưng đến năm 2016 này thì số lượng tàu đã lên tới 500 chiếc, tất cả cùng săn lùng cá đù vàng”. Cũng theo Tổ chức Hòa bình xanh, nhiều công ty thủy sản có lịch sử làm ăn gian lận trong vùng. Hàng trăm hoạt động đánh bắt cá trái phép của tàu cá Trung Quốc đã được báo cáo ở Tây Phi trong các năm qua.

 

Hoang mang

EJF đã có bằng chứng chứng minh hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, che đậy và không hợp lệ vẫn đang tiếp diễn tại các vùng biển châu Phi. Tương tự như vậy, Hòa bình xanh cũng bắt đầu một cuộc điều tra khác vào tháng 1/2016 trên khắp Cape Verde, Mauritania, Gambia, Guinea, Guinea Bissau, Sierra Leone và Senegal. Phải mất 3 năm để tổng hợp các bằng chứng nhưng Hòa bình xanh hy vọng rằng họ sẽ có thêm nhiều phân tích chi tiết các tình huống. Vấn đề thiếu nguồn tài nguyên không thể xác định rõ ràng khi chúng tôi viếng thăm Ủy ban hàng hải ở Conakry.

Việc đăng ký vào hệ thống vệ tinh mà chi phí của trang thiết bị này có giá thành lên tới 10.000 Euro (11.000 USD/năm) và họ làm gì có tiền để kham nổi. Chính phủ Guinea nói rằng họ đã hết sức cố gắng nhưng thiếu nguồn lực, do đó đây là một cuộc chiến hết sức khó khăn. Gần đây, Guinea đã ký kết một hiệp ước nhằm chặn đứng hoạt động đánh bắt cá trái phép, song hãy còn quá sớm để nói về tác động của nó.

Đánh bắt cá phi pháp đang dần hủy diệt nền kinh tế mỏng manh ở xứ này. Ngư dân Soumah nghĩ đến tương lai thảm khốc của lũ trẻ: “Đánh cá giúp con cái chúng tôi có tiền đi học, có thức ăn và đi khám chữa bệnh. Vì thế nếu đánh cá bất hợp pháp tiếp tục diễn ra sẽ ảnh hưởng đến đời sống ngư dân chúng tôi, quý vị thấy nó ảnh hưởng ra sao tới đám trẻ không?”. 

>> Ngư dân Abdoulaye Soumah cho biết, trước đây, trung bình thu nhập của họ là 700 – 1.400 USD/ngày nhờ đánh bắt cá, nhưng giờ đây vì nạn đánh bắt cá trái phép gia tăng nên cá ngày càng ít đi trông thấy. Cùng lượt đánh bắt nhưng lúc này chỉ kiếm được mỗi 140 USD/ngày, hầu như hết sạch cá trong ngư trường mà họ thường kiếm ăn.

Nguyễn Thanh Hải

www.bcc.com

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!