(TSVN) – Tại cửa biển Sa Cần của tỉnh Quảng Ngãi có đội tàu câu mực khơi hơn 100 chiếc, đánh bắt ở quần đảo Trường Sa. Sau phiên biển đầu năm, ngư dân thắng lớn với hơn 1.500 tấn, giá trị ước đạt hơn 251 tỷ đồng.
Ngư dân Trần Tức, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn chủ tàu QNg-95422 TS, trở về từ Trường Sa chở theo hơn 60 tấn mực xà khô. Với giá bán 135.000-145.000 đồng/kg, số mực này mang về cho ngư dân hơn 8 tỷ đồng. Ông Trần Tức cùng 54 ngư dân của tàu phấn khởi vì sản lượng mực xà câu được nhiều gấp đôi so với năm ngoái.
Còn tàu QNg-95769 TS của ngư dân Nguyễn Tấn Dũng cùng hơn 40 thuyền viên vừa trở về, thu hơn 45 tấn mực xà khô, đạt hơn 6 tỷ đồng. Ông Dũng cho biết: “Nghề mực xà đã mang lại nguồn thu nhập cao cho ngư dân địa phương, để anh em bạn thuyền gắn bó với chủ tàu. Mỗi năm, tôi đi 2 chuyến biển, mỗi chuyến câu mực xà kéo dài 3 tháng và nghỉ biển vào mùa gió bão. Do vậy, vừa xong chuyến biển đầu năm thì ông cùng các thuyền viên tiếp tục vươn khơi bám biển dài ngày”.
Tàu câu mực ở Trường Sa của ngư dân xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn
Theo ông Huỳnh Trọng Thân, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Bình Chánh, mấy năm gần đây, thời tiết rất thuận lợi cho nghề câu mực xà, đặc biệt năm nay sản lượng khai thác nhiều hơn. Giá cả năm nay ở mức trung bình nhưng sản lượng mực xà tăng 20-30% so với các năm, bình quân đạt 60-65 tấn/tàu, tàu có công suất lớn và nhiều thuyền viên thì sản lượng lên đến 80 tấn.
“Đối với nghề câu mực xà, chủ tàu tự bỏ vốn đóng tàu, kêu gọi ngư dân cùng tham gia đi biển, trung bình mỗi tàu có khoảng 40-50 thuyền viên tham gia. Mấy năm nay, nghề câu mực xà rất được mùa nên bình quân thuyền viên cũng thu được 60-150 triệu đồng/người”, ông Thân nói.
Hầu hết các tàu câu mực đều là ngư dân thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn), là làng câu mực nổi tiếng của tỉnh Quảng Ngãi. Toàn thôn có 5.500 dân thì đến 2.500 dân làm nghề biển, là thuyền viên các tàu câu mực.
Mực xà được phơi khô đưa đi tiêu thụ khắp nơi ở trong và ngoài nước
Nghề câu mực xà ở xã Bình Chánh xuất hiện từ những năm 1990. Lúc đầu phương tiện đánh bắt còn thô sơ, sản lượng đánh bắt còn thấp nhưng thời đó mực xà rất có giá, 10kg mực có thể đổi được 1 chỉ vàng. Do vậy, đến năm 1994, những ngư dân trong thôn Mỹ Tân đã mạnh dạn đóng mới tàu cá để đi xa hơn.
Ông Nguyễn Tiến Pháo, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chánh cho biết, toàn xã có 142 tàu chủ yếu hành nghề câu mực. Chỉ sau phiên biển đầu năm, sản lượng khai thác mực xà khô đạt 1.540 tấn, giá trị ước đạt 251,15 tỷ đồng. Toàn bộ số mực này được đưa về 4 kho thu mua, sơ chế ở địa phương. Từ các kho này, mực xà của ngư dân xã Bình Chánh được đưa đi tiêu thụ khắp nơi ở trong và ngoài nước, đặc biệt là xuất khẩu sang Trung Quốc và Thái Lan.
“Gần 20 năm trở lại đây, rất nhiều tàu to máy lớn ra đời, có những tàu công suất đến 1.200CV, chở được 40-50 người. Từ khi có tàu lớn, máy móc hiện đại, thu nhập của ngư dân cũng khấm khá hơn, họ càng bám biển dài ngày hơn, đi từ 3 đến 4 tháng mới trở về”, ông Pháo cho biết thêm.
Nghề câu mực ở Trường Sa cho thu nhập khá cao. Do đó, đa phần người dân địa phương có cuộc sống khá sung túc. Nhiều ngư dân sở hữu đôi tàu trị giá hơn 10 tỷ đồng. Ngoài việc mang lại lợi nhuận cao, ngư dân câu mực giống như những cột mốc chủ quyền trải dài khắp quần đảo Trường Sa. “Mỗi năm 10 tháng, ngư dân câu mực bám biển Trường Sa. Với họ, Trường Sa là quê hương thứ hai. Sự hiện diện của hàng nghìn thúng câu nhỏ bé ở Trường Sa mang lại ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, ông Pháo nhấn bày tỏ.
Như Đồng