Nằm trong chương trình dạy nghề cho ngư dân Quảng Ngãi, Tiến sĩ Nguyễn Đức Sĩ – Trưởng bộ môn Hàng hải, Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản, Trường đại học Nha Trang đã chia sẻ một số vấn đề về an toàn hàng hải và việc ngư dân phòng tránh bão.
Xin ông cho biết phương pháp điều động tàu tránh xa tâm bão?
Có nhiều phương pháp điều động tàu tránh xa tâm bão, chẳng hạn như: Nếu tàu nằm bên phải đường di chuyển của bão thì cho tàu chạy gối sóng, sao cho gió thổi vào má phải mũi tàu, hướng gió tạo với mặt phẳng trục dọc mũi tàu một góc từ 30-45 độ. Điều khiển cho tàu chạy thẳng hướng cho đến khi thấy gió chuyển hướng được một góc 90 độ so với hướng ban đầu là tàu đã thoát xa tâm bão.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Sĩ (bên trái) đang hướng dẫn thuyền trưởng tác nghiệp hải đồ.
Trường hợp tàu nằm bên trái đường di chuyển của bão, ngư dân cho tàu chạy theo hướng sao cho gió thổi vào má phải đuôi tàu, hướng gió tạo với mặt phẳng trục dọc mũi tàu một góc từ 110-135 độ. Cho tàu chạy đến khi thấy gió thổi vuông góc hoặc chếch về phía trước là tàu đã thoát xa tâm bão.
Ngư dân không chạy kịp vào bờ và phải neo giữa biển chịu sóng gió, xin ông cho biết một số phương pháp thoát hiểm?
Ngư dân địa phương hay sử dụng neo nổi (ngư dân gọi là dù) để thả xuống trước mũi tàu để ghìm tốc độ trôi, đồng thời giữ cho tàu được vững. Neo nổi có tác dụng giữ cho mũi tàu luôn hướng ngược sóng, từ đó giảm được lắc ngang và hạn chế trôi dạt.
Bên cạnh đó còn có phương pháp thả dầu xuống biển để làm giảm sóng. Dầu được đựng trong thùng, can nhựa, túi vải… có chứa xơ dừa, giẻ, bông. Thùng được đục thủng lỗ cho dầu chảy từ từ ra ngoài mạn tàu, tạo thành một lớp màng phủ mặt nước xung quanh tàu. Có dầu, sóng gần tàu sẽ dịu bớt xuống.
Ngư dân neo thuyền để chống bão như thế nào, thưa ông?
Khu vực neo tránh trú bão phải đảm bảo các yêu cầu như: Diện tích đảm bảo cho tàu có thể quay khi gió đổi chiều. Ngoài ra cần các yếu tố khác như: Độ sâu, chất đáy và phạm vi cũng như hướng che chắn. Thực tế, gió trong bão luôn đổi hướng, vì vậy lúc đầu tàu đậu chỗ này có thể kín gió, nhưng sau đó gió đổi hướng lại bị trống gió. Vậy nên thuyền trưởng phải theo dõi hướng gió để có cách xử lý kịp thời.
Xin ông cho biết chương trình giảng dạy để cấp bằng hạng tư cho ngư dân có điều gì khác biệt so với bằng hạng 5 trước đây?
Trong chương trình giảng dạy để cấp chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá hạng tư, kiến thức trang bị cho ngư dân nhiều hơn so với hạng 5, thời gian học tập kéo dài hơn, có nhiều bài thực hành nâng cao tay nghề. Chúng tôi truyền đạt các kiến thức về Nghiệp vụ hàng hải, Luật và An toàn, Nghiệp vụ chuyên môn tàu cá, Nghiệp vụ thuyền trưởng và chức trách thuyền viên trên tàu cá. Đặc biệt là cập nhật về Luật biển 2012 của Việt Nam, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản năm 2003. Trong đó, nhấn mạnh về Công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển, Phương pháp kết nối thông tin liên lạc trong mùa mưa bão. Phương pháp điều động tàu tránh, trú bão. Tổ chức các bài thực hành về tác nghiệp hải đồ, sử dụng máy định vị vệ tinh, máy đo sâu dò cá… Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đánh cá có trách nhiệm.
Qua kiểm tra thực tế tàu thuyền của ngư dân Quảng Ngãi, phần lớn còn thiếu các thiết bị cần thiết gì để phòng chống bão và an toàn hàng hải?
Trên tàu cá ngư dân Quảng Ngãi hiện nay còn thiếu nhiều trang thiết bị bảo đảm an toàn hàng hải và phòng chống bão. Các phương tiện cứu sinh (bè, phao tròn, phao áo), cứu hỏa (bình CO2, thùng cát…); cứu thủng (vải bạt, nêm chốt gỗ…), trang bị tín hiệu (đèn hàng hải, vật hiệu đánh cá, thiết bị phát âm hiệu…) chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Nghị định 66/2005 và Thông tư 02/2007 hướng dẫn thực hiện Nghị định 66/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Qua kiểm tra cho thấy chỉ có một số tàu có trang thiết bị an toàn nhưng chưa đúng quy cách, không đảm bảo về số lượng và chất lượng.