Theo Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có hơn 127.000 tàu cá, trong đó 28.000 tàu đánh bắt xa bờ, ngư dân trên biển gần 1 triệu người. Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2013, sản lượng khai thác 2,7 triệu tấn. Những con số cho thấy, để phục vụ khai thác biển, cần hệ thống cơ sở hậu cần rất lớn, trước hết là bến cảng và nơi trú đậu tàu.
Thực trạng bến cảng và nơi trú đậu tàu ở nước ta rất yếu. Ông Vũ Thế Phượng ở khối 10, phường Nghi Thủy (TX Cửa Lò, tỉnh Nghệ An) đóng con tàu 420 CV tốn gần 1,7 tỷ đồng, ở biển về loay hoay mãi mới đưa được tàu vào cảng Cửa Lò. Ông kể, quy định cầu cảng không được đậu tàu cá nhưng không biết đậu ở đậu, mấy chục chiếc chen nhau gặp sóng gió là va đập dễ vỡ tàu. “Phó mặc gia sản cho sóng gió, xót ruột lắm nhưng đành chịu”, ông than thở. Thị xã Cửa Lò có 207 chiếc tàu cá thiếu nơi đậu, thiếu cả cảng cá nên khó hiện đại nghề biển.
Ở tỉnh Thừa Thiên – Huế, Chi cục trưởng Chi cục KT&BVNLTS Nguyễn Quang Vinh Bình cho biết, tỉnh có 1.750 tàu đánh cá, mới khoảng 50% tàu tìm được nơi đậu. Ngoài đảo Lý Sơn, 500 tàu cá công suất 400 CV cũng chưa có chỗ neo đậu an toàn.
Theo ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ở 9 tỉnh và thành phố miền Trung có 17 khu neo đậu tránh trú bão, công suất thiết kế cho khoảng 11.225 tàu công suất dưới 400 CV. Con số chiếm tỷ lệ nhỏ tàu của ngư dân nhưng thực tế còn ít hơn, do không đồng bộ và có nơi tàu không thể vào. Cảng cá Tiên Châu (Tuy An, Phú Yên) hoạt động từ tháng 7/2006, nay chỉ có tàu công suất nhỏ vào cảng bằng 5 – 10% công suất và lượng hải sản qua cảng bằng 3,3% công suất thiết kế. Ở Thừa Thiên – Huế, Ban chỉ huy Quân sự tỉnh làm chủ đầu tư một bến tàu 29 tỷ đồng, hoàn thành tháng 8/2010, nay tàu vẫn chưa thể vào.
Báo cáo giám sát của Ban Dân nguyện Quốc hội cho biết, đến nay đã đầu tư xây dựng trên bờ 65/178 cảng, bến cá; tuyến đảo 18/33 cảng. Khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá xây dựng được 75/131, trong đó có 13 khu neo đậu cấp vùng và 62 khu cấp tỉnh. Tại các đảo đã đầu tư xây dựng 12/16 khu tránh trú bão cho tàu cá, trong đó có 5 khu neo đậu cấp vùng. Số lượng công trình so với nhu cầu rất thấp, chưa kể nhiều công trình đầu tư xây dựng có chất lượng kém.
Khi mở ra chương trình đóng tàu đánh cá vỏ thép thì bến cảng với cơ sở hậu cần càng đòi hỏi cấp thiết. Bởi tàu vỏ gỗ chừng 3 năm mới lên đà bảo dưỡng một lần, còn tàu vỏ thép phải bảo dưỡng hằng năm. Với công nghệ đánh bắt hiện đại, lượng hải sản cũng nhiều hơn, cần hệ thống hậu cần phục vụ tương xứng mới phát huy được hiệu quả khai thác.
Quy hoạch đến năm 2020, cả nước có 211 cảng cá và bến cá với năng lực tiếp nhận 2.360.000 tấn hải sản. Trong đó, tuyến bờ có 178 cảng cá và bến cá, tuyến đảo có 33. Khi đó, tỷ lệ tổn thất hải sản sau đánh bắt hiện nay 25 – 30%, hy vọng sẽ giảm xuống 10%. Một thách thức lớn với kinh tế biển.