Đến nay, ngư dân Bình Định đã có 48 tàu cá vỏ thép được đóng mới theo NĐ 67, ngoài 19 chiếc sau khi đóng bị hư hỏng phải mất thời gian dài sửa chữa lại mới hoạt động được, số còn lại từ khi tàu xuất xưởng đến nay liên tục vươn khơi bám biển, ăn nên làm ra.
Chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99169 TS Nguyễn Ngọc Châu với sản phẩm mực xà đánh bắt được sau chuyến biển
Nổi bật trong số những tàu vỏ thép 67 ở Bình Định đánh bắt có hiệu quả là tàu BĐ 99478 TS (829 CV) của ngư dân Nông Thanh Điền (45 tuổi) ở thôn Chánh Hóa, xã Cát Thành (huyện Phù Cát). Nhận tàu từ Cty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang (Khánh Hòa) vào tháng 9/2016, tàu làm nghề mành chụp kết hợp câu cá ngừ đại dương, từ đó đến nay tàu liên tục vươn khơi bám biển không gặp sự cố hư hỏng nào.
Riêng năm 2017 vừa qua, tàu của anh Điền đi đánh bắt được 10 chuyến biển, chuyến nào cũng trúng đậm, bình quân mỗi chuyến sau khi trừ chi phí nhiên liệu, đá lạnh, lương thực…, chia tiền cho bạn thuyền, anh Điền còn kiếm được vài ba trăm triệu đồng. Cá biệt mấy chuyến biển đầu năm 2017, tàu của anh Điền đánh bắt được nhiều cá và mực xà, mỗi chuyến bán sản phẩm được từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng.
Năm 2018, từ đầu năm đến nay tàu BĐ 99478 TS của anh Điền đã vươn khơi được 4 chuyến biển, chuyến thứ 4 đang còn đánh bắt ngoài khơi. Năm nay biển đói hơn năm ngoái, tàu đánh bắt không đạt sản lượng, mỗi chuyến biển chỉ đánh được vài chục tấn mực xà và cá. Tuy sản lượng đánh bắt được ít, nhưng nhờ giá mực xà tăng cao đến 30.000 đồng/kg nên vẫn cho thu nhập khá.
Chị Thủy, vợ anh Điền cho biết, 3 chuyến biển trước, trừ phí tổn, chia tiền cho bạn thuyền, mỗi chuyến vẫn kiếm được khoảng 100 triệu đồng. “Vợ chồng tôi vay của Ngân hàng NN-PTNT hơn 15 tỷ đồng, cộng với vốn đối ứng của gia đình, chúng tôi đóng được chiếc tàu vỏ thép tổng vốn đầu tư 16,1 tỷ đồng. Nhờ làm ăn thuận lợi nên trong năm 2017 vợ chồng trả nợ vay cho ngân hàng được 1,1 tỷ đồng, năm 2018 này tiếp tục trả hơn 1 tỷ nữa”, chị Thủy nói.
Tàu cá vỏ thép mang số hiệu BĐ 99169 TS (880CV) của ngư dân Nguyễn Ngọc Châu ở thôn An Đông, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), cũng ăn nên làm ra chẳng kém cạnh. Tàu của anh Châu hạ thủy vào tháng 3/2017 với tổng vốn đầu tư 20 tỷ đồng, hành nghề mành chụp, tính đến nay con tàu này đã vươn khơi được 10 chuyến biển, bình quân thu nhập 500 triệu đồng/chuyến, có những chuyến biển gặp thời điểm “biển no”, cá mực đầy khoang, anh Châu kiếm được đến 1,2 tỷ đồng/chuyến.
“Đánh bắt bằng tàu vỏ sắt cho thu nhập cao hơn nhiều so với tàu vỏ gỗ. Bình quân thu nhập của ngư dân đi bạn trên tàu đạt từ 10 – 20 triệu đồng/người/chuyến biển”, chủ tàu Nguyễn Ngọc Châu cho hay.
Tàu cá vỏ thép làm nghề mành chụp và câu cá ngừ đại dương mang số hiệu BĐ 99979 TS (829CV), trị giá 16,3 tỉ đồng của anh Đặng Văn Khoa ở xã Cát Thành được đưa vào hoạt động từ tháng 4/2017, bình quân thu nhập 300 triệu đồng/chuyến biển. “Quyết định chuyển từ tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ thép đem lại hiệu quả thấy rõ. Tàu vỏ thép máy móc hiện đại, chịu được sóng to gió lớn, nên chúng tôi yên tâm hoạt động ở các ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa”, ngư dân Khoa nhận xét.
“Các tàu vỏ thép đóng mới theo NĐ 67 đạt hiệu quả cao hơn từ 15 – 20% so với các tàu vỏ gỗ cùng công suất. Nhờ triển khai thực hiện NĐ 67 mà ngư dân Bình Định có điều kiện hiện đại hóa đội tàu đánh bắt công suất lớn đảm bảo hoạt động an toàn. Thời gian tới, để tiếp tục hỗ trợ ngư dân theo NĐ 17/CP, ngành nông nghiệp Bình Định sẽ tập trung triển khai chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với tàu cá đóng mới; chính sách bảo hiểm, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng; hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới; theo dõi tình hình sản xuất của các tàu cá đóng mới theo NĐ 67/CP để hỗ trợ các chủ tàu sản xuất có hiệu quả, đảm bảo việc trả nợ cho ngân hàng”, ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.