Thách thức quản lý sử dụng kháng sinh

Chưa có đánh giá về bài viết

Từng được nhiều trang trại và nông dân nuôi trồng thủy sản coi là thần dược nhưng tới nay kháng sinh không còn được kỳ vọng nhiều, bởi những tác hại khôn lường. Dù vậy, khâu quản lý sử dụng kháng sinh hiệu quả vẫn là thách thức với nhiều quốc gia.

Bài học từ Ấn Độ

Tháng 6/2015, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) trả về nhiều lô tôm nhập khẩu từ 6 công ty của Ấn Độ, Malaysia và Việt Nam sau khi phát hiện nhiễm kháng sinh cấm nitrofuran. Ấn Độ có hai công ty trong danh sách đen gồm Sharat Industries và Sandhya Aqua Exports thuộc bang Andhra Pradesh.

Abraham J Tharakan, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Ấn Độ cho biết, sau sự cố tôm nhiễm kháng sinh, Ấn Độ thắt chặt hơn các khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm. Trước khi tôm được xuất khẩu sang Mỹ đều phải trải qua quy trình kiểm tra nghiêm ngặt ở nhiều cấp độ. Nông dân nuôi thủy sản vẫn có thể lén lút sử dụng kháng sinh nên các hãng xuất khẩu buộc phải kiểm tra sản phẩm trước khi mua và đóng gói hàng. Sau khi chế biến và đóng gói, hàng hóa được kiểm tra một lần nữa bởi phòng thí nghiệm độc lập. Ấn Độ xuất khẩu trung bình 30.000 – 40.000 tấn tôm sang Mỹ mỗi năm; 97% các lô hàng được kiểm tra thường xuyên và xác nhận tình trạng chất lượng trước lúc xuất.

5 tháng đầu năm, FDA đã từ chối 203 lô hàng tôm nhiễm kháng sinh cấm. Trong khi đó, cả năm 2014 chỉ có 208 lô tôm nhiễm kháng sinh bị trả về. Như vậy, số lượng tôm nhiễm kháng sinh năm nay cao hơn năm ngoái. Theo Tharakan, Ấn Độ có hệ thống kiểm tra chặt chẽ, nhưng vẫn để lọt hàng kém chất lượng, làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh tôm Ấn Độ. Do đó, hiệp hội này đang tích cực tuyên truyền, kêu gọi các công ty xuất khẩu tiếp tục đấu tranh loại bỏ việc sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm, tẩy chay trang trại nuôi tôm bằng kháng sinh cấm.

 

Cần lộ trình cụ thể

Hệ thống thu nhận dữ liệu và cơ quan quản lý sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi của mỗi quốc gia không giống nhau. Tại Mỹ, FDA chịu trách nhiệm công bố báo cáo tổng kết năm về kinh doanh thuốc thú y. Nhưng con số này không được phân loại theo nhóm, khiến việc phân tích quá trình hay nhu cầu sử dụng kháng sinh rắc rối, chưa rõ ràng.

Tại Anh, kháng sinh chỉ được sử dụng cho vật nuôi khi có toa thuốc của đơn vị có thẩm quyền cấp thuốc. Bác sĩ thú y phải báo cáo chi tiết loại thuốc đã sử dụng trong quá trình làm việc. Tại Na Uy, bác sĩ thú y, người nuôi trồng thủy sản và nhà sản xuất thức ăn cũng có trách nhiệm báo cáo toàn bộ số thuốc đã sử dụng kèm đơn thuốc cụ thể cho các cấp quản lý nhà nước. Đây là những số liệu công khai. Nhờ đó, Na Uy đã giảm sử dụng 99% kháng sinh trong ngành công nghiệp nuôi cá hồi từ đầu những năm 1980.

Ảnh: Konibi

Có thể thấy, việc báo cáo sử dụng kháng sinh nên duy trì thường xuyên để các cơ quan quản lý dễ đánh giá toàn diện tính hiệu quả của từng loại thuốc trên mọi đối tượng nuôi; từ đó mới có lộ trình cắt giảm hoặc thay đổi cách sử dụng hiệu quả hơn. Nhờ công cụ quản lý bằng hệ thống luật lệ chặt chẽ như Đức, Hà Lan và Đan Mạch, những nhà sản xuất ở các cấp địa phương, thậm chí vùng sâu vùng xa cũng đã giảm dần sử dụng kháng sinh.

 

Giải pháp từ chứng nhận bền vững

Nhiều chuyên gia khẳng định, chứng nhận bền vững là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp quản lý sử dụng kháng sinh hiệu quả tại các trại nuôi thủy sản. Thực tế, thị phần của những trại nuôi thủy sản đạt chứng nhận bền vững đang lớn dần bởi nhận thức khách hàng về an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng cao. Những trại nuôi đạt chứng nhận cam kết sử dụng kháng sinh trong khuôn khổ quản lý để đảm bảo tính bền vững cho toàn trang trại. Theo các tổ chức cấp chứng nhận bền vững quốc tế như ASC, GlobalGAP và GAA, ngoài việc yêu cầu các trại nuôi phải thực hiện kế hoạch quản lý sức khỏe vật nuôi toàn diện thì hệ thống chứng nhận bền vững luôn đề cao vai trò chủ động của bác sĩ thú y suốt quá trình làm việc, kê đơn và thường xuyên kiểm tra trại nuôi.

Tại Hội thảo bàn tròn về nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp Oxford, Anh tháng 4/2014, thành viên tham dự gồm bác sĩ thú y, chuyên gia dinh dưỡng thủy sản, nông dân và các công ty sản xuất thuốc thú y, thực phẩm đều đồng tình chiến lược “thay thế, giảm sử dụng và sử dụng có chọn lọc các loại kháng sinh”. Đây mới là cách thúc đẩy sử dụng kháng sinh bền vững trong ngành nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi trên toàn thế giới.

>> Hà Lan đã nói không với kháng sinh và khẳng định các trại nuôi có thể phát triển bền vững nếu tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình an ninh sinh học. Mỹ cũng đang tích cực giảm sử dụng kháng sinh và đặt ra mục tiêu đến năm 2018 sẽ bỏ kháng sinh.

Vũ Đức

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!