Thái Bình: Cảnh báo bùng phát dịch bệnh trên tôm nuôi

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngành chuyên môn cảnh báo, với thời tiết biến động như hiện nay, bệnh đốm trắng sẽ diễn biến phức tạp trên tôm nuôi đồng thời khuyến cáo người nuôi tôm chủ động các biện pháp ngăn chặn, khoanh vùng.

Năm 2022, diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh khoảng 2.900 ha, trong đó 600 ha nuôi thâm canh, lượng tôm giống thả khoảng 360 triệu con. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Bình, đến hết ngày 8/5, bệnh đốm trắng trên tôm nuôi đã xảy ra ở 249 ao của 111 hộ thuộc các xã: Thụy Hải, Thụy Xuân (Thái Thụy), Nam Cường, Đông Minh, Nam Thắng, Nam Thịnh (Tiền Hải); tổng diện tích các ao có tôm bị bệnh là 376.000 m2, số lượng giống thả trên 10 triệu con.

Tôm bị bệnh đốm trắng. Ảnh: ST

Hợp tác xã Sản xuất Kinh doanh Nuôi trồng thủy sản Hải Châu, xã Đông Minh (Tiền Hải) quản lý 130,6 ha nuôi trồng thủy sản. Đến nay, 100% diện tích đã xuống giống, trong đó 97,5 ha nuôi thả tôm sú, 5 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, còn lại là nuôi cua giống. Ngày 26/4, một số ao nuôi tôm xuất hiện hiện tượng tôm chết, HTX đã báo cáo Phòng NN&PTNT huyện, Chi cục Chăn nuôi và Thú y về kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả đã xác định tôm nuôi bị mắc bệnh đốm trắng. Đến ngày 8/5 đã có 33 ao nuôi của 25 hộ ghi nhận tôm nhiễm bệnh đốm trắng với diện tích trên 20.000 m2, 80 vạn tôm giống đã thả. HTX đã cấp phát hóa chất Chlorine, 33/33 ao đã tiến hành xử lý, khống chế không để dịch bệnh lây lan diện rộng đồng thời khuyến cáo các hộ có tôm bị chết cần vệ sinh ao đầm thật tốt trước khi thả bổ sung.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Bình, bệnh đốm trắng trên tôm được phát hiện từ ngày 20/4 tại một số hộ nuôi thuộc xã Thụy Hải (Thái Thụy). Mặc dù Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã khẩn trương phối hợp với các huyện trong giám sát, phát hiện, xử lý dịch bệnh cũng như tuyên truyền, hướng dẫn người dân cải tạo ao đầm từ đầu vụ, tuy nhiên dịch bệnh đang có dấu hiệu lây lan nhanh. Nguyên nhân được xác định do thời tiết những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 diễn biến phức tạp, nhiệt độ biến động lớn, chênh lệch nhiệt độ ngày – đêm cao kết hợp mưa rào làm cho điều kiện môi trường ao nuôi thay đổi đột ngột, làm giảm sức đề kháng của tôm nuôi. 

Tôm thả chủ yếu đang ở giai đoạn 35 – 45 ngày, đây là thời điểm nhạy cảm, tôm dễ bị nhiễm các bệnh nguy hiểm, bên cạnh đó cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa được cải tạo nâng cấp nên nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm trên tôm tiếp tục phát sinh và lây lan là rất cao.

Sở NN&PTNT cho biết: Hiện nay, ngành nông nghiệp đã cấp trên 8.500 kg hóa chất hỗ trợ các hộ nuôi xử lý ao nuôi nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là toàn tỉnh đang vào vụ nuôi chính, diện tích thả nuôi lớn cộng với tính chất nguy hiểm, khả năng lây lan nhanh của dịch bệnh nên các hộ nuôi, đặc biệt là các hộ đã có diện tích bị nhiễm bệnh đốm trắng cần tăng cường giám sát, phát hiện dịch bệnh để kịp thời xử lý ngay từ diện hẹp, đồng thời thực hiện tốt “3 không” (không giấu bệnh, không xả thải nước ao khi chưa được xử lý và không xả thải xác tôm chết do nhiễm bệnh ra môi trường) để góp phần hạn chế lây lan dịch bệnh.

>> Đốm trắng là bệnh rất nguy hiểm trên tôm nuôi, có thể làm tôm chết 100% chỉ sau 3 - 10 ngày kể từ khi nhiễm bệnh. Biểu hiện bệnh: Tôm dạt bờ, kém ăn, bơi yếu và xuất hiện các đốm trắng có vòng tròn đồng tâm đường kính từ 0,5 - 2mm trên vỏ, cơ thể yếu ớt chuyển thành màu hồng đồng thời xuất hiện các đốm trắng, ruột rỗng, chết dạt bờ. Đây là bệnh do virus gây ra, hiện nay vẫn chưa có phương pháp chữa trị. Vì vậy, người nuôi cần tăng cường các biện pháp phòng bệnh.

Anh Dũng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!