Thái Bình: Hiệu quả mô hình nuôi ba ba ở xã Liên Giang

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước giảm nghèo bền vững, thời gian qua, xã Liên Giang (huyện Ðông Hưng) đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là trong phát triển kinh tế vườn, ao, chuồng (VAC) xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế đem lại hiệu quả thiết thực cho bà con nhân dân. Ðiển hình như mô hình nuôi ba ba đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đang được nhiều hộ nhân rộng.

Từ mô hình nuôi ba ba Ðài Loan của anh Nguyễn Gia Vương, xóm 14, thôn Minh Hồng cho thu nhập cao, ổn định, một số hộ dân nơi đây dần học hỏi, chuyển đổi và mở rộng diện tích nuôi ba ba. Với kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được qua thời gian đi làm thuê tại các trang trại nuôi ba ba, anh Vương đã quyết định về quê, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Với 3 ao, diện tích trên 1.400m2 sẵn có của gia đình, trước kia thường được nuôi thả các loại cá truyền thống, tuy nhiên hiệu quả kinh tế không cao, anh Vương xây dựng tường bao, lắp đặt hệ thống ống dẫn và thoát nước ra vào ao, đối với ao nuôi ba ba đẻ, anh làm bãi đẻ, không ngập nước và được lót lớp cát dày, xây tường, lợp mái vững chắc để tránh trứng bị hỏng.

 

Mô hình nuôi ba ba Ðài Loan của gia đình anh Nguyễn Gia Vương, thôn Minh Hồng cho thu nhập trên 50 triệu đồng/năm.

Sau khi hoàn thành ao nuôi, anh thả trên 1.000 con ba ba Ðài Loan được mua giống ở Sóc Trăng. Anh Vương cho biết: Ba ba Ðài Loan là giống nuôi thông dụng, ít bị bệnh. Nguồn thức ăn chủ yếu của ba ba là cá biển, tùy theo từng lứa tuổi mà cung cấp lượng thức ăn. Ba ba chỉ ăn 8 – 9 tháng mỗi năm, khi ba ba còn nhỏ, lượng thức ăn hàng ngày bằng khoảng 5% trọng lượng cơ thể, khi đã lớn, lượng thức ăn giảm còn 2 – 3% trọng lượng cơ thể. Thời gian nuôi từ 24 – 30 tháng được xuất bán, trọng lượng mỗi con khi bán trung bình đạt 1,5kg, giá bán dao động từ 250.000 – 400.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các nhà hàng, quán ăn quanh vùng.

Thời gian đầu, anh nuôi ba ba bán thương phẩm, 2 năm trở lại đây, do đã quen với đặc tính của ba ba, anh cho ba ba sinh sản. Anh Vương cho biết thêm: Ba ba thường đẻ trứng theo mùa, từ tháng 2 đến tháng 9. Mỗi con đẻ từ 12 – 15 trứng, một năm 2 lứa. Trước khi đẻ, ba ba lên bãi, đào hố và đẻ vào đó, khi đẻ xong lấp cát lại. Ba ba thường đẻ ban đêm, sáng hôm sau thu nhặt trứng đưa vào lò ấp. Thời gian ấp trứng đối với ba ba kéo dài khoảng 50 – 60 ngày, ở nhiệt độ từ 32 – 350C. Cơ sở của anh là nơi cung cấp giống cho các trang trại quang vùng. Mỗi năm anh bán từ 400 – 1.000 con giống. Ước tính tiền bán ba ba giống và thịt mỗi năm trừ chi phí anh còn lãi trên 50 triệu đồng.

Thấy anh Vương làm ăn có hiệu quả, người dân trong xã cũng bắt đầu nuôi ba ba. Người có vốn ít thì nuôi với quy mô nhỏ, diện tích cũng tăng lên đối với người khá giả hơn. Các hộ nuôi đã hỗ trợ về con giống, kỹ thuật, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm cho nhau. Ông Nguyễn Trung Xá, Chủ tịch Hội Làm vườn xã Liêng Giang cho biết: Hiện toàn xã có 5 hộ nuôi ba ba. Đây là vật nuôi mới ở địa phương nhưng đang là hướng lựa chọn của nhiều hộ trong xã bởi thị trường tiêu thụ luôn ở trạng thái “cung không đủ cầu”, ít dịch bệnh và không tốn nhiều công chăm sóc. Tuy nhiên, thời gian nuôi ba ba dài, nguồn thức ăn lớn, vốn đầu tư cao nên nhiều hộ nghèo muốn vươn lên phát triển kinh tế không dám lựa chọn ba ba.

Ông Nguyễn Khắc Quyền, thôn Kim Ngọc là một trong những hộ đưa ba ba về địa phương đầu tiên. Tuy nhiên, ông nuôi ba ba sông, ông Quyền chia sẻ: 12 năm nuôi ba ba, ông nắm trong lòng bàn tay đặc tính của từng loại ba ba. Nuôi ba ba rất dễ, cách chăm sóc không có gì phức tạp, chỉ cần xây bờ chắn cẩn thận, không để ba ba bò ra ngoài là được. Ông lựa chọn nuôi ba ba sông bởi đây là loại ba ba thịt thơm ngon hơn, cho giá trị kinh tế cao hơn, đặc biệt là loại ăn tạp. Do ít vốn, 12 năm ông chỉ nuôi thả 600 con (trong đó 300 con nuôi thịt và 300 con ba ba sinh sản) ở 2 ao với diện tích gần 1.000 m2. Vợ chồng ông nuôi 2 con ăn học chủ yếu bằng 2 ao ba ba, hàng ngày, ông đi bắt ốc bươu vàng về làm thức ăn nuôi ba ba để giảm bớt chi phí, lấy công làm lãi.

Với hiệu quả kinh tế mà người dân nuôi ba ba ở xã Liên Giang đã đạt được trong thời gian qua, cùng với sự học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, hứa hẹn sẽ nâng diện tích nuôi thủy sản đạt hiệu quả cao trên địa bàn xã trong thời gian tới. 

Lưu Ngần

Báo Thái Bình

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!